Trường Giáo dục chuyên biệt: Tương Lai Gieo mầm hy vọng cho trẻ em khuyết tật

Hơn 12 năm qua, Trường Giáo dục chuyên biệt Tương Lai, phường Tấn Tài (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm) trở thành “mái nhà chung” mang lại cơ hội hòa nhập cộng đồng cho nhiều trẻ em khuyết tật (TEKT) trên địa bàn tỉnh.

Giờ học của lớp chậm phát triển - Sơn Ca do cô Thùy Quyên phụ trách thật đặc biệt. Lớp học chỉ có 11 em nhưng khá huyên náo bởi tiếng trẻ đọc phát âm, tập đếm, tiếng trêu đùa lẫn nhau không rõ nghĩa... Mỗi em một dị tật khác nhau khiến công tác “gieo chữ” của cô Quyên khó khăn trăm bề. Dự một tiết học, chúng tôi mới hiểu nỗi vất vả của giáo viên (GV) khi phải kiên nhẫn từng giờ, uốn nắn từng con số, nét chữ cho những đứa trẻ thiểu năng trí tuệ và dị tật bẩm sinh. Thế mới thấy, việc chăm sóc, phục hồi chức năng cho TEKT chưa bao giờ là việc dễ, đòi hỏi sự kiên nhẫn, nỗ lực, tình thương và trách nhiệm.

Giờ học của các em Trường Giáo dục chuyên biệt Tương Lai, phường Tấn Tài
(Tp. Phan Rang-Tháp Chàm).

Cô giáo Nguyễn Thị Loan, Hiệu trưởng Trường Giáo dục chuyên biệt Tương Lai chia sẻ: Trường hiện có 10 cán bộ, GV, nhân viên đảm nhận nuôi dạy 48 trẻ khuyết tật từ 4-16 tuổi. Để thuận tiện trong công tác giảng dạy, nhà trường chia thành 2 nhóm học sinh (HS) dựa trên trình độ, dạng khuyết tật gồm nhóm bị khiếm thính và nhóm chậm phát triển mắc các chứng down, tự kỷ, khuyết tật trí tuệ, tăng động... Với nhiều dạng tật và lứa tuổi khác nhau, nên các em được học tập theo chương trình chuyên biệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Để nâng cao chất lượng giáo dục, vào đầu mỗi năm học, GV kiểm tra trình độ, lên kế hoạch giảng dạy, đặt ra yêu cầu, mục tiêu rèn luyện riêng cho từng HS. Trong các tiết dạy GV đều sử dụng những trang thiết bị, đồ dùng dạy học trực quan để giúp các em tiếp thu tốt hơn. Với mong muốn sau này các em sẽ tự chăm lo cho cuộc sống, không phải phụ thuộc vào người thân và xã hội, ngoài việc dạy đọc, làm toán thì GV còn lồng ghép các kỹ năng gắn với đời sống sinh hoạt hằng ngày, giúp HS tăng khả năng tự chăm sóc bản thân khi cần thiết...

Đối với trẻ khiếm thính, nhà trường đầu tư 1 phòng cách âm để dạy cho các em nghe và nói, kết hợp dạy ngôn ngữ khẩu hình, hội thoại, giảm đi ngôn ngữ dấu. Đầu tư 1 phòng học tăng động dành cho 5 lớp chậm phát triển, các em học 4 kỹ năng: Tự lực, giao tiếp, vận động, văn hóa; trong đó, đặc biệt chú trọng đến kỹ năng “tự lực”, “giao tiếp” giúp các em hòa đồng, có khả năng tự phục vụ bản thân. Nhằm hướng các em đến sự phát triển toàn diện, ngoài thời gian học văn hóa, GV còn chú trọng bồi dưỡng các môn năng khiếu bổ trợ như: Đánh đàn, đánh trống, múa... Đặc biệt, trong năm học 2023-2024, nhà trường phối hợp với cơ sở đào tạo nghề gội đầu, massage, làm nail gắn với giải quyết việc làm cho các em khiếm thính. Ngoài ra, các cô giáo thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ, tạo sân chơi lành mạnh giúp các em có cơ hội được thể hiện bản thân, tự tin hơn khi giao tiếp. Mỗi ngày, nhờ sự kiên trì của các cô giáo, các em có thêm những hiểu biết về cuộc sống xung quanh, về kỹ năng thiết yếu như tự phục vụ, chăm sóc bản thân, hòa nhập với bạn bè, gia đình.

Tiêu biểu trong năm học vừa qua, đã có 12 em hòa nhập cộng đồng, biết tự chăm sóc bản thân, phụ giúp cha mẹ việc nhà; có nhiều em khiếm thính đã viết được đoạn văn ngắn nhờ nhìn khẩu hình miệng của cô giáo như: T.Y.N; Q.N.H.P (HS lớp Sơn Ca)...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảng dạy ở trường vẫn còn đó nhiều trăn trở. Hiện nay, nhiều phụ huynh bận rộn làm ăn, nên ít có thời gian quan tâm đến con cái, tỷ lệ TEKT ngày càng tăng lên, đặc biệt trẻ tự kỷ, tăng động, chậm phát triển. Chỉ riêng đầu năm học 2023-2024, nhà trường từ chối tiếp nhận khoảng 30 HS do nhân sự ở trường không đảm bảo đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh. Việc tuyển dụng GV có đủ nhiệt huyết, kiên trì, yêu thương gắn bó với TEKT rất khó. Bởi lẽ, mỗi GV giảng dạy TEKT cần nhẫn nại quan sát, tăng cường tương tác để kịp thời phát hiện, hỗ trợ các em trong quá trình học tập.

Mặt khác, nhiều phụ huynh không chấp nhận thực tế con mình khuyết tật trí tuệ, từ chối đưa con đi kiểm tra sức khỏe, không cho con được can thiệp giáo dục từ sớm, lỡ mất giai đoạn vàng của trẻ và khiến tình trạng của trẻ nặng thêm. Theo cô giáo Loan chia sẻ: Một số phụ huynh bảo bọc TEKT quá mức, không cho con làm bất cứ điều gì; hoặc có gia đình thì bỏ mặc, không quan tâm chăm sóc, dạy dỗ con. Họ không nhận thức được giáo dục hòa nhập tạo cơ hội cho TEKT được đến trường, được tiếp cận nền giáo dục bình đẳng mà không phân biệt thể chất, trí tuệ, cảm xúc hay ngôn ngữ. TEKT khi được can thiệp sớm, sẽ càng có những tiến triển tích cực. Mong rằng, thời gian tới, các bậc phụ huynh dần gỡ bỏ rào cản mặc cảm, hỗ trợ cho con đến trường để các em có thêm niềm vui, bớt tự ti và được tiếp cận tri thức.

Để giúp TEKT sớm hòa nhập cộng đồng, cùng với sự nhẫn nại, yêu thương của GV còn rất cần sự đồng hành của cha mẹ trong suốt hành trình can thiệp, hỗ trợ. Bởi, gia đình chính là môi trường sinh hoạt tốt nhất cho trẻ. Nếu như những hoạt động, kiến thức trên lớp của cô được bố mẹ áp dụng thực hành, luyện tập cùng con hằng ngày sẽ mang lại hiệu quả tích cực.