Ninh Hải đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ

Phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, những năm qua, huyện Ninh Hải đã tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, ngành nghề dịch vụ (DV), góp phần nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.

Nằm trên trục đường chính của Tỉnh lộ 702, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của Hợp tác xã (HTX) DV Tổng hợp Nông nghiệp Thái An (xã Vĩnh Hải) là nơi thu hút khá đông khách du lịch (DL) đến tham quan và mua các sản phẩm đặc thù của địa phương. Ông Nguyễn Khắc Phòng, Giám đốc HTX cho biết: Từ ngày được tỉnh hỗ trợ việc lắp đặt biển hiệu, kệ trưng bày các sản phẩm OCOP... đã giúp việc quảng bá các sản phẩm đặc thù của địa phương như: Nho tươi, rượu nho, mật nho, nho sấy, táo sấy, nước mắm... đến người tiêu dùng và khách DL thuận lợi hơn rất nhiều, qua đó đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đến với du khách thập phương, giúp hoạt động kinh doanh của HTX ngày càng phát triển.

Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Dịch vụ Tổng hợp Nông nghiệp Thái An.

Phát huy lợi thế về giao thông, vị trí địa lý thuận lợi cho việc phát triển các ngành thương mại (TM), DV, DL, đặc biệt là DL biển, huyện Ninh Hải đã tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, mặt bằng... để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các ngành, nghề TM, DV, DL. Nhờ vậy, thời gian qua, hoạt động TM, DV trên địa bàn huyện đã tăng về số lượng. Hiện nay, toàn huyện có 23 chợ loại III, siêu thị đang hoạt động; trên 3.900 hộ sản xuất, kinh doanh, buôn bán, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương với đa dạng các ngành nghề kinh doanh, như: DV ăn uống, DV DL, kinh doanh điện tử, cơ khí, buôn bán vật liệu xây dựng, tạp hóa, thời trang, DV vật tư nông nghiệp... Bên cạnh đó, để thúc đẩy TM, DV phát triển, thời gian qua, huyện đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa; khuyến khích các hộ có nhà mặt đường mở rộng sản xuất, kinh doanh đa dạng các mặt hàng đáp ứng nhu cầu mua sắm phục vụ sản xuất, tiêu dùng của nhân dân trong và ngoài địa bàn; tăng cường đảm bảo công tác an ninh trật tự cho người dân yên tâm đầu tư, mở rộng ngành nghề kinh doanh; quan tâm công tác quản lý thị trường, ngăn chặn buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động TM đến các hộ kinh doanh trên địa bàn. TM, DV trên địa bàn huyện phát triển đã tạo bước chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu lao động, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Nhờ đó, diện mạo nông thôn mới trên địa bàn huyện đang có sự đổi thay rõ rệt, các cửa hàng kinh doanh, sản xuất, DV ngày càng được mở rộng, hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa diễn ra nhộn nhịp. Qua đó nâng thu nhập bình quân đầu người hiện nay trên địa bàn huyện lên 71,8 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới năm 2021 là 4,89% , đến năm 2023 giảm còn 2,44%.

Để đẩy mạnh phát triển TM, DV, thời gian tới, huyện Ninh Hải tiếp tục thực hiện xúc tiến đầu tư nhằm kêu gọi các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, cá nhân đầu tư phát triển TM, DV trên địa bàn theo hướng hiện đại; tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển theo Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 17/1/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về phát triển kinh tế biển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của địa phương như: Phát triển hạ tầng, hệ thống giao thông kết nối với tuyến đường ven biển, các tuyến kênh liên thông với hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa, khu vực Đầm Nại... cho phát triển kinh tế, nhất là các lĩnh vực: Kinh tế biển, DL; đô thị, kinh tế đô thị; nông nghiệp công nghệ cao...; khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên của huyện (sinh quyển, danh lam thắng cảnh...) có các giải pháp thu hút các nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo để tạo được bước đột phá cả về tốc độ và chất lượng tăng trưởng, nhất là về DL, DV, công nghiệp; phấn đấu huyện trở thành trung tâm phát triển kinh tế biển, DL. Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn góp phần nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật đối với các chủ cơ sở kinh doanh hàng hóa; chú trọng triển khai sâu rộng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tăng cường công tác kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng. Đồng thời, quan tâm phát triển các DV phục vụ đời sống nhân dân...