* Ông Trần Văn Lợi, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phước Dân (Ninh Phước):
Trong những năm qua, Hội Nông dân (ND) các cấp đã thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống cho hội viên (HV). Đặc biệt, thông qua nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ Hỗ trợ ND, giúp người dân phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập. Tại địa phương, hiện có 1.014 HV, ND được vay vốn từ ngân hàng và có 6 dự án hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ ND, với kinh phí 1,7 tỷ đồng để thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản gắn với trồng táo; qua đó, giúp nhiều HV thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tôi mong rằng, đại hội lần này, Hội ND tỉnh tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện cho nhiều ND có cơ hội được tiếp cận nguồn quỹ hỗ trợ cũng như vốn vay ưu đãi; cùng với đó tập trung định hướng người dân thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả gắn với tiềm năng, thế mạnh ở từng địa bàn n
* Ông Nguyễn Thường Lang, chủ cơ sở nho giống Sáu Lang, phường Mỹ Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm):
Với những chính sách hỗ trợ thiết thực, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển, hình thành các mô hình sản xuất ứng dụng khoa học - công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm mặt hàng nông sản, nhất là các sản phẩm mang tính đặc thù địa phương. Trước nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của thị trường, định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để tạo ra sản phẩm sạch là điều tất yếu trong xu thế hiện nay. Vì vậy, trong thời gian đến chúng tôi rất mong ngành chức năng, Hội Nông dân tỉnh quan tâm hỗ trợ tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, vốn vay, kết nối với doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết theo chuỗi giá trị, tạo nên vùng canh tác rộng lớn, đem lại năng suất và cho hiệu quả kinh tế cao.
* Anh Katơr Vế, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Chiến (Thuận Bắc):
Toàn xã Phước Chiến hiện có khoảng 100 hộ làm nghề đan lát truyền thống, tập trung nhiều ở thôn Tập Lá. Các sản phẩm làm ra chủ yếu là gùi, tó, nia, nỏ, đàn Chapi. Thời gian qua, các sản phẩm đan lát được các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương tập trung quảng bá, giới thiệu trong các hội chợ; đặc biệt, một số sản phẩm đã được đưa lên sàn thương mại điện tử, giúp nhiều người biết đến làng nghề hơn. Tuy nhiên, hiện nay nguyên liệu sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, nên rất khó khăn trong việc duy trì làng nghề. Nông dân địa phương chúng tôi mong rằng Đại hội Hội Nông dân tỉnh lần này sẽ có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ như: Quy hoạch ổn định vùng trồng nguyên liệu, đầu tư máy móc, công cụ sản xuất, xây dựng khu trưng bày sản phẩm làng nghề, mở rộng thị trường tiêu thụ... Qua đó, nhằm giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống người dân.
Đăng Khôi