CPI bình quân 8 tháng tăng 4,73%

Trong kỳ tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2023, nếu so với tháng trước chỉ số CPI tăng 1,02%; so với cùng kỳ năm trước tăng 3,95%. Đáng chú ý, trong mức tăng của CPI tháng 8, có 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 1 nhóm có chỉ số giá giảm và 3 nhóm ổn định giá.

Trong 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, nhóm giao thông có chỉ số giá tăng cao nhất với 3,38%, chủ yếu do giá xăng dầu tăng mạnh. Ngoài ra, do một số mặt hàng tăng giá như: Xe đạp tăng 0,93%; vé tàu tăng 3,58%; vé máy bay tăng 15,71%, góp phần làm cho chỉ số ở nhóm này tăng mạnh so với tháng trước. Tiếp đến, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,36%, chủ yếu do các mặt hàng lương thực tăng 8,85% (là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2000 đến nay), trong đó mặt hàng gạo tăng mạnh 10,60%, nguyên nhân do một số quốc gia cấm xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh thu mua gạo để xuất khẩu. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,72%. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,57% chủ yếu do tăng ở một số mặt hàng như: Giá gas tăng 7,65%; giá dầu hỏa tăng 15,99%; giá nhà ở thuê tăng 0,71% do nhu cầu tăng.

Nhiều du khách đến tham quan khu du lịch Tanyoli ở xã Phước Dinh (Thuận Nam). Ảnh: Văn Nỷ

Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,53% do tăng chi phí đầu vào như nguyên liệu sản xuất, chi phí vận tải. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,02%. Ba nhóm ổn định giá là nhóm thuốc và dịch vụ y tế, nhóm bưu chính, viễn thông và nhóm giáo dục. Nhóm duy nhất có chỉ số giá giảm là nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm nhẹ 0,11%.

Kết quả trên góp phần làm CPI bình quân 8 tháng năm 2023 tăng 4,73% so với cùng kỳ năm trước.