Tin tổng hợp

* Ngày 7/9, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn tuyên truyền các quy định liên quan đến chính sách an toàn, vệ sinh lao động cho 100 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc cũng như bảo vệ tính mạng, chăm sóc sức khỏe cho người lao động. 

Đại diện các doanh nghiệp tham gia tập huấn tuyên tuyền các quy định liên quan đến chính sách ATVSLĐ. Ảnh: A.Thi

* Ngày 7/9, UBND huyện Ninh Phước tổ chức tập huấn quy trình điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 cho trên 100 cán bộ các ban ngành cấp huyện và đại diện các xã, thị trấn, thôn, khu phố trên địa bàn huyện về các nội dung chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025. 

Ảnh: S.Ngọc

* Triển khai Đề án phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả, có giá trị kinh tế cao đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nét nổi bật trong lĩnh vực chăn nuôi đến nay, đã từng bước chuyển đổi bền vững phương thức chăn nuôi theo hướng tập trung an toàn sinh học, tăng tỷ trọng chăn nuôi trang trại quy mô vừa và lớn (105 trang trại ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, gồm 51 trại heo, 12 trại gia cầm, 7 trại cừu, 4 trại dê và 31 trại bò), tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh cao.

Nông dân Phước Nam (Thuận Nam) chăn nuôi đàn cừu. Ảnh: Văn Nỷ

Tăng cường công tác quản lý giống vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác cải tạo giống vật nuôi (duy trì tỷ lệ lai đàn dê cừu 90% và tăng tỷ lệ lai đàn bò lên 51%). Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân 6,03%/năm, cao và khá ổn định, từng bước trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp.

* Từ năm 2018 đến 31/7/2023, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã phối hợp với Hội Nông dân các cấp tổ chức giải ngân với doanh số cho vay đạt hơn 1.134 tỷ đồng với hơn 30.700 lượt khách hàng được vay vốn; nâng tổng dư nợ ủy thác qua Hội Nông dân đạt 793 tỷ đồng/406 Tổ TK&VV với 19.560 hộ vay còn dư nợ, chiếm 25% tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Nhờ đó, nguồn vốn tín dụng chính sách được giải ngân kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, người vay sử dụng vốn đúng mục đích góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, giải quyết việc làm, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới của địa phương.