Nông dân huyện Thuận Bắc vừa thu hoạch xong lúa hè - thu đúng vào thời điểm giá lúa tăng cao, từ 8.000-8.300 đồng/kg nên bà con rất phấn khởi. Theo nông dân địa phương, những năm trước sản xuất vụ hè - thu gặp khó khăn do nắng nóng, năng suất thấp hơn vụ đông- xuân, giá lúa thấp. Vụ hè - thu năm nay giá lúa tăng cao hơn các vụ trước khoảng 500 đồng/kg, bà con thu hoạch đến đâu thương lái mua hết đến đó. Hiệu quả kinh tế của vụ lúa hè - thu tăng lên đáng kể, hộ sản xuất thu lãi khoảng 40 triệu đồng/ha, cao hơn vụ trước 5 triệu đồng. Trong vụ mùa năm nay, toàn huyện Thuận Bắc sản xuất hơn 3.195 ha; trong đó, lúa 2.208 ha, diện tích còn lại là cây màu, tập trung ở các vùng tưới hồ Sông Trâu, hồ Bà Râu, hệ thống kênh Bắc, trạm bơm Mỹ Nhơn và trạm bơm Lợi Hải. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, ngay từ đầu vụ, huyện chỉ đạo các địa phương phối hợp với ngành chức năng tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân xuống giống tập trung đúng lịch thời vụ, sử dụng giống cấp xác nhận, áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”, nên cuối vụ năng suất và chất lượng lúa đạt khá cao.
Nông dân huyện Ninh Phước thu hoạch lúa hè - thu.
Là địa phương có diện tích lúa hè - thu lớn nhất tỉnh, lên tới 8.388 ha, nhờ tuân thủ lịch thời vụ, phòng trừ sâu bệnh, điều tiết nước hợp lý nên lúa phát triển nhanh, bông chắc và đồng đều. Những ngày này, đồng lúa ở xã Phước Hữu, Phước Thái, Phước Hậu (Ninh Phước)... đã chuyển sang màu vàng. Các địa phương huy động máy gặt đập liên hợp để giúp bà con thu hoạch. Những năm gần đây, nông dân sử dụng các loại giống lúa mới thay thế dần giống cũ đã thoái hóa, đảm bảo tốt năng suất cuối vụ. Ông Đàn Năng Tom, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Phước cho biết: Vụ hè - thu 2023 huyện tiếp tục duy trì 11 cánh đồng lớn sản xuất lúa với diện tích 2.150 ha. Những cánh đồng lớn được đầu tư hạ tầng thủy lợi, giao thông phục vụ sản xuất đồng bộ, vào mùa lúa chín không khí thu hoạch rất nhộn nhịp. Cánh đồng tập trung nên việc sản xuất dễ dàng, tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức hơn, lợi nhuận cũng cao hơn so với sản xuất đơn lẻ.
Cũng như những vụ trước đây, vụ hè- thu năm nay công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất được ngành chức năng, các địa phương quan tâm thực hiện. Để mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư GreenStars triển khai mô hình “Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ áp dụng quy trình 1 phải, 5 giảm”. Mô hình được thực hiện tại Thôn 3, xã Nhị Hà (Thuận Nam) ở vùng sản xuất khu ruộng bậc thang, hưởng lợi từ nguồn nước hồ Tân Giang, quy mô 5 sào. Mô hình sử dụng giống lúa xác nhận Đài Thơm 8, lượng giống gieo sạ 12 kg/sào (giảm 60% so với vụ trước đó). Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, ruộng mô hình sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh có giá thành cao hơn ruộng đối chứng, lượng giống giảm, giống lúa Đài Thơm 8 cho chất lượng gạo ngon hơn nên giá bán cao hơn so với các giống lúa truyền như: TH6, TH41... Mặt khác, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại đã giảm lượng phân bón hóa học nên ít độc hại môi trường đất, sản phẩm đảm bảo an toàn và chất lượng, phù hợp với định hướng phát triển của ngành Nông nghiệp hiện nay. Kết quả, ruộng mô hình năng suất đạt 7,8 tấn/ha, cao hơn ruộng đối chứng 1,3 tấn, với giá bán 8.200 đồng/kg, sau khi trừ chi phí hộ thực hiện mô hình thu lãi gần 40 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng đối chứng 11 triệu đồng.
Vụ hè - thu năm nay toàn tỉnh chuyển đổi 323,4 ha sang cây ngắn ngày và cây dài ngày; trong đó, chuyển đổi trên đất lúa 152,9 ha, đất khác 170,5 ha. Bám sát vào định hướng phát triển của ngành Nông nghiệp, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố xây dựng mô hình sản xuất măng tây xanh theo hướng hữu cơ với quy mô 7 ha. Để sản xuất đạt hiệu quả cao, công ty tổ chức 5 lớp tập huấn kỹ thuật cho các hộ dân áp dụng công nghệ cao vào trồng thâm canh măng tây xanh. Mô hình được thực hiện trên cơ sở chuyển đổi từ đất canh tác lúa và cây màu kém hiệu quả sang trồng măng tây xanh theo hướng hữu cơ nên không tác động tiêu cực đến môi trường và nguồn tài nguyên nước, tài nguyên đất. Ông Trần Tiến Sinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố cho biết: Các hoạt động của mô hình có tác động làm tăng năng suất, chất lượng cho măng tây xanh, góp phần xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm và tăng hiệu quả sản xuất, giải quyết công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Ngoài các mô hình trên, trong vụ hè - thu 2023 một số địa phương cũng nhân rộng một số mô hình sản xuất hữu cơ, tạo đà cho ngành Nông nghiệp phát triển bền vững.
Anh Tùng