Phát triển chi hội, tổ hội nghề nghiệp hỗ trợ nông dân

Là mô hình phù hợp, hoạt động hiệu quả, thời gian qua các cấp Hội Nông dân (ND) trong tỉnh đã xây dựng và nhân rộng mô hình chi hội, tổ hội nghề nghiệp, tạo điều kiện để hội viên ND có cơ hội liên kết phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Xã Phước Hậu (Ninh Phước) có 870 ha lúa, 80 ha táo. Những năm trước đây, sản xuất mang tính tự phát nên giá trị mang lại của mặt hàng nông sản chưa cao, ND thường ở trong tình cảnh “được mùa mất giá”. Từ thực trạng trên, năm 2018, Hội ND xã đã thành lập Chi hội nghề nghiệp xã Phước Hậu với mục đích tập hợp các hộ dân có cùng ngành nghề, cùng mục đích sản xuất, liên kết lại với nhau mở rộng quy mô sản xuất, chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Ông Trượng Văn Tin, Chủ tịch HND xã Phước Hậu, cho biết: Đến nay, xã đã thành lập được 3 chi hội nghề nghiệp, gồm: Chi hội nuôi dê vỗ béo, Chi hội sản xuất táo và Chi hội sản xuất lúa giống, với tổng số 81 thành viên. Thông qua mô hình tổ, hội nghề nghiệp đã vận động 100% thành viên tham gia vào tổ hợp tác, hợp tác xã, đã tạo thuận lợi cho các thành viên và ND vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ ND, vốn vay ủy thác từ Ngân hàng chính sách xã hội. Qua đó, giúp hội viên ND phát triển sản xuất, nhất là sản xuất táo theo hướng liên kết, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mô hình nuôi nuôi dê vỗ béo của Chi hội nghề nghiệp xã Phước Hậu (Ninh Phước).

Bên cạnh các chi, tổ hội nghề nghiệp trồng trọt, thì chi, tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi cũng phát huy hiệu quả hoạt động. Trong đó, có thể kể đến Chi hội nghề nghiệp xã Lợi Hải (Thuận Bắc) nổi bật với mô hình nuôi heo đen đã giúp các thành viên nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Theo ông Nguyễn Văn Hợp, Chủ tịch Hội ND xã Lợi Hải: Hiện toàn xã có hơn 70% hội viên Hội ND tham gia vào mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp và chọn heo đen làm vật nuôi để phát triển kinh tế. Qua đó, giúp hội viên về nguồn vốn trong sản xuất, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất giữa các thành viên, các hộ nuôi đã chuyển từ phương pháp chăn thả tự nhiên sang nuôi thả trong phạm vi vườn có rào chắn để hạn chế dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường.

Theo số liệu thống kê của Hội ND tỉnh, đến nay toàn tỉnh thành lập được 117 chi, tổ hội nghề nghiệp với trên 1.755 thành viên tham gia. Thông qua mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp, tổ chức HND có sự đổi mới về phương thức hoạt động, khắc phục được phần lớn những nhược điểm, hạn chế. Tuy vậy, không phải chi, tổ hội nghề nghiệp nào hoạt động cũng hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên. Một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của chi, tổ hội nghề nghiệp. Việc lựa chọn, định hướng mô hình ngành nghề phù hợp với nhu cầu thực tế ở một số địa phương còn lúng túng, vai trò chi hội trưởng, tổ trưởng nghề nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Văn Tính, Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh chia sẻ: Để giúp ND nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tham gia vào các chi, tổ hội nghề nghiệp, thì hoạt động của các chi, tổ hội phải gắn với sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Quỹ hỗ trợ ND và các hoạt động tín dụng khác để mang lại hiệu quả kinh tế và nguồn thu nhập cho các thành viên. Đồng thời, vai trò của chi hội trưởng, tổ trưởng rất quan trọng, phải là người sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiệt tình, có uy tín. Để duy trì hoạt động của tổ, hội nghề nghiệp cần phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của Hội ND các cấp, nhất là cấp cơ sở trong nhân rộng mô hình.