Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận là một trong số ít cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh xây dựng thành công mối quan hệ mật thiết với các DN trong việc đào tạo, hỗ trợ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp. Hiện nay, nhà trường liên kết hơn 100 DN trong và ngoài tỉnh với nhiều ngành, lĩnh vực như: Điện - điện tử, cơ khí, nhà hàng - khách sạn, công nghệ thông tin, công nghệ ô tô... Qua cầu nối của trường, đã giúp 1.474 sinh viên được các DN giữ lại làm chính thức với mức thu nhập cao, ổn định. Anh Sầm Lượng Ka Hua, cựu sinh viên ngành Điện công nghiệp khóa 13, sau khi tốt nghiệp đã được Nhà máy điện gió Phước Minh (Thuận Nam) tuyển dụng giữ chức vụ Điều hành viên với thu nhập ổn định, hay chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, tốt nghiệp nghề Quản trị khách sạn nay đang làm việc tại Resort Amanoi...
Đại diện Công ty TNHH Sợi Đà Lạt đến tham quan tại Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận.
Thầy giáo Nguyễn Phan Anh Quốc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận cho biết: Việc liên kết đào tạo với DN mang lại lợi ích cho cả hai bên. Đối với nhà trường, đây là cơ hội để trao đổi, chia sẻ thông tin về nhu cầu việc làm, chế độ người lao động cũng như cung cấp thông tin phản hồi cho trường về mức độ hài lòng đối với năng lực của học viên đang học việc, làm việc tại DN. Từ đó, nhà trường điều chỉnh kịp thời chương trình đào tạo cho các khóa tiếp theo.
Theo thống kê của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, hiện toàn tỉnh có 20 cơ sở GDNN, 1 Trường cao đẳng nghề, 2 trường trung cấp; 3 trung tâm GDNN- Giáo dục thường xuyên cấp huyện... Trong năm 2022, các cơ sở đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 8.500 người. Trong đó, trình độ trung cấp khoảng 1.000 người, sơ cấp và dạy nghề thường xuyên 7.500 người. Qua đó, các cơ sở GDNN đưa hơn 250 sinh viên vào các DN trong và ngoài tỉnh để thực hành như: Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận, Công ty May Tiến Thuận, May Hoa In, Tập đoàn Trung Nam…
Để đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của DN, một số cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với DN ngay từ khâu xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu sử dụng và tuyển dụng của DN; mời thỉnh giảng đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư, kỹ thuật của DN tham gia xây dựng chương trình đào tạo. Ngoài ra, một số DN cũng đã hỗ trợ cơ sở đào tạo về trang thiết bị đào tạo, cử cán bộ kỹ thuật, thợ lành nghề tham gia giảng dạy thực hành tại cơ sở đào tạo hoặc hợp đồng với cơ sở đào tạo đặt địa điểm tại DN, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị của DN để đào tạo và cung ứng lao động sau đào tạo cho DN. Việc làm này đã giải quyết được vấn đề thiếu hụt trang thiết bị hiện đại của các trường; giúp người học tiếp cận với công nghệ sản xuất tiên tiến của DN, đáp ứng được yêu cầu của DN ngay khi vào làm việc tại DN, giảm chi phí đào tạo lại của DN.
Để tăng cường sự liên kết giữa cơ sở GDNN và DN trong đào tạo nghề nhằm mang lại “lợi ích kép” cho cả hai bên, thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động; nhu cầu đào tạo gắn với tuyển dụng lao động để có giải pháp hỗ trợ DN. Cùng với đào tạo nghề, các cơ sở GDNN cần quan tâm đào tạo văn hóa nghề, tác phong cho người lao động; chuyển mạnh từ dạy nghề theo năng lực đào tạo sang dạy nghề theo yêu cầu thị trường lao động, đơn vị tuyển dụng và nhu cầu đa dạng của xã hội. Khuyến khích các DN đầu tư phát triển cơ sở GDNN phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh...
Mỹ Dung