Triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách
Dưới sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thời gian qua, nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo thiếu hụt đa chiều được triển khai kịp thời, đầy đủ. Chỉ tính riêng năm 2022, toàn tỉnh đã hỗ trợ tiền điện cho 14.208 hộ nghèo, với tổng số tiền 9,4 tỷ đồng; trích Quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo mua bảo hiểm y tế với tổng số tiền trên 2,1 tỷ đồng; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ về giáo dục, tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế gia đình… Cùng với đó, tỉnh đã hoàn thành tổng kết thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ. Trong dịp tết Nguyên đán vừa qua, bên cạnh những phần quà của Đảng, Nhà nước, tỉnh ta trích ngân sách hỗ trợ 11.015 hộ nghèo, mỗi hộ 300.000 đồng với tổng số tiền trên 3,3 tỷ đồng. Công tác tiếp nhận, cấp phát gạo hỗ trợ của Chính phủ cho hộ nghèo, cận nghèo tại các huyện, thành phố và các đối tượng đang sinh sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội (Trần Châu, Từ Ân) được triển khai kịp thời, đúng đối tượng, quy định đề ra.
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ huyện Ninh Phước trao giấy bàn giao nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo trên địa bàn huyện. Ảnh: T.Mạnh
Ngoài ra, trong năm 2022, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” từ tỉnh đến cơ sở còn vận động, tiếp nhận sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh số tiền 24,5 tỷ đồng, qua đó tạo nguồn kinh phí hỗ trợ xây mới 226 nhà Đại đoàn kết, với số tiền trên 11,4 tỷ đồng và sửa chữa 9 căn nhà bị hư hỏng số tiền 178 triệu đồng. Đối với công tác cứu trợ, toàn tỉnh đã vận động, ủng hộ được số tiền trên 1,5 tỷ đồng; xây dựng 162 căn nhà bị hư hỏng nằm trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng do thiên tai với số tiền trên 7,5 tỷ đồng. Các hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ hội viên, người nghèo xây dựng nhà ở. Điển hình như Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh đã vận động, kết nối hỗ trợ gia đình nghèo, bệnh nhân nghèo xây dựng 21 căn nhà, với tổng số tiền trên 1,2 tỷ đồng; Hội Cựu chiến binh tỉnh hỗ trợ hội viên xây dựng 10 căn nhà Tình đồng đội trị giá 685 triệu đồng; các cấp công đoàn hỗ trợ xây mới và sửa chữa 27 căn nhà với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng…
Các cấp Mặt trận, đoàn thể cũng phát động, triển khai có hiệu quả nhiều phong trào giúp nhau trong đoàn viên, hội viên về vốn, tư liệu sản xuất; duy trì, nhân rộng các mô hình tín dụng tiết kiệm; phối hợp triển khai công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; hỗ trợ người nghèo mua công cụ lao động, sản xuất phát triển kinh tế gia đình. Đơn cử như năm 2022, Hội Cựu chiến binh tỉnh đóng góp kinh phí, giúp vốn cho hội viên nghèo mua 16 con bò giống phát triển chăn nuôi với số tiền 164 triệu đồng. Các phường thuộc Tp. Phan Rang - Tháp Chàm như phường Mỹ Hải hỗ trợ 10 triệu đồng giúp 1 hộ nghèo mua tủ, bàn ghế bán tạp hóa, cà phê; phường Tấn Tài hỗ trợ gần 20 triệu đồng giúp 2 hộ nghèo mua đồ nghề cắt tóc và hàn, tiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo…
Đối với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đã xây dựng, triển khai Đề án 406/ĐA “Hỗ trợ đồng bào Bác Ái góp phần giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016-2020. Đề án ban đầu đã hỗ trợ 500 con bò giống cho các hộ nghèo. Qua triển khai, đến nay, tổng đàn bò hiện có 996 con. Số bê sinh sản được 674 con, đạt tỷ lệ 134,8%. Số bò chuyển từ hộ 1 sang hộ 2 là 178 con; số bò chuyển từ hộ 2 sang hộ 3 là 8 con. Dự án “Trồng măng tây xanh” ở xã An Hải (Ninh Phước) do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hỗ trợ 390 triệu đồng được Mặt trận tỉnh triển khai cho 24 hộ trồng 3,9 ha măng tây xanh. Hiện nay, mỗi ngày Hợp tác xã thu mua măng tây xanh của 24 hộ được 273 kg với tổng số tiền trên 13,5 triệu đồng. Cuối năm 2021, đã luân chuyển 50% vốn thu hồi cho 8 hộ nghèo, cận nghèo của thôn thực hiện dự án và đến đầu năm 2023 tiếp tục phối hợp rà soát, họp xét lựa chọn và luân chuyển 50% vốn còn lại thu hồi trong năm 2022 cho 8 hộ nghèo, cận nghèo và hộ khó khăn trong thôn tiếp tục thực hiện mô hình. Qua 3 năm triển khai, đến nay, tất cả 24 hộ tham gia đã phát triển kinh tế ổn định và vươn lên thoát nghèo bền vững. Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã góp phần tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất của người dân, hướng đến việc GNBV ở vùng đặc biệt khó khăn.
Duy trì, nhân rộng nhiều giải pháp “dài hơi”
Công tác GNBV được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở quan tâm triển khai thường xuyên, nghiêm túc và đạt được kết quả tích cực. Bên cạnh những mô hình, hoạt động nói trên, để người nghèo có thêm niềm tin, điều kiện vươn lên trong cuộc sống, trong năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đổi mới công tác an sinh xã hội, vận động 5 tổ chức chính trị-xã hội, 6 tổ chức tôn giáo và Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh nhận đỡ đầu, giúp đỡ 70 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo trong năm 2023. Ngày 21/3 vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai mỗi xã, phường, thị trấn xây dựng 1 mô hình sinh kế thực hiện mục tiêu GNBV, giai đoạn 2023-2025; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ký kết Kế hoạch phối hợp thực hiện mục tiêu quốc gia GNBV giai đoạn 2021-2025; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh ký kết Kế hoạch phối hợp thực hiện tín dụng chính sách xã hội…
Đối với những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, biện pháp “dài hơi” được nhiều tổ chức, đoàn thể hướng tới là duy trì, nhân rộng hoạt động “đỡ đầu” hằng tháng, hằng quý, giúp người nghèo có thêm điều kiện ăn ở, học tập. Nổi bật như Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”, đến nay đã vận động các cấp Hội, nhà hảo tâm nhận đỡ đầu 87 trẻ em mồ côi; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh nhận đỡ đầu 70 học sinh có hoàn cảnh khó khăn theo chương trình “Nâng bước em đến trường” và “Con nuôi Đồn Biên phòng”; Đoàn Thanh niên Công an tỉnh duy trì thực hiện đề án “Tuổi trẻ Công an Ninh Thuận hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đến trường” nhận đỡ đầu 52 học sinh có hoàn cảnh khó khăn…
Những mô hình, hoạt động thiết thực, ý nghĩa nói trên đã thể hiện sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác GNBV, góp phần giúp đỡ những đối tượng yếu thế vươn lên trong cuộc sống; thúc đẩy tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân giảm từ 1,5-2%/năm. Riêng năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1,86% so với kế hoạch giảm từ 1,5-2%.
Lâm Anh