Hiện thực hóa những ý tưởng khởi nghiệp
Từ cuộc thi PN khởi nghiệp sáng tạo năm 2022 với chủ đề “PN khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức đã thu hút nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp của các hội viên tham gia. Trong số đó, có không ít ý tưởng, dự án được hỗ trợ tích cực để từng bước hiện thực hóa. Điển hình như dự án “Không gian xanh với rau sạch thủy canh” của chị Nguyễn Thị Kim Anh, Chủ tịch Hội PN xã Bắc Phong (Thuận Bắc), giải Nhất cuộc thi đã góp phần tạo “bước đệm” vững chắc cho chị trên hành trình khởi nghiệp. Với mong muốn đem lại bữa ăn sạch, an toàn cho người tiêu dùng, chị Kim Anh quyết định chọn trồng rau thủy canh để khởi nghiệp. Với số vốn 200 triệu đồng, chị xây dựng mô hình trồng rau thủy canh gồm các loại: Cải xanh, cải ngọt, cải thìa, bó xôi... theo hướng công nghệ trên diện tích 150 m2. Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi, ứng dụng kỹ thuật mới trong sản xuất và ươm giống rau thủy canh, đến nay vườn rau thủy canh mang tên Thuyên An Farm sinh trưởng, phát triển tốt, được nhiều người tin dùng. Đặc biệt, cuộc thi PN khởi nghiệp sáng tạo như chất “xúc tác” giúp mô hình rau thủy canh ngày càng vươn xa. Trung bình mỗi tháng chị Kim Anh thu hoạch 90 kg rau các loại, với giá 30.000 đồng/kg. Các loại rau sạch, an toàn, tươi ngon mang lại giá trị dinh dưỡng cao, giá thành ổn định nên được nhiều người quan tâm, tin dùng.
Dự án “Không gian xanh với rau sạch thủy canh” của chị Nguyễn Thị Kim Anh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bắc Phong (Thuận Bắc) thành hiện thực.
Chị Kim Anh chia sẻ: Do diện tích vườn còn hẹp nên chưa có lãi nhiều. Tuy nhiên, chặng đường khởi nghiệp đầu tiên không quan trọng lời lãi mà vừa làm, vừa hoàn thiện kỹ thuật, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường. Qua cuộc thi tôi học hỏi, cập nhật thêm nhiều kiến thức bổ ích như lập kế hoạch kinh doanh, marketing, quản lý tài chính,... từ đó giúp tôi tự tin hơn trên hành trình mình đã lựa chọn. Giờ đây, vườn rau Thuyên An Farm không chỉ là địa điểm cung cấp rau sạch, an toàn cho người tiêu dùng mà còn nơi tham quan, học tập của nhiều chị em, hội viên, góp phần khích lệ tinh thần khởi nghiệp của chị em trong toàn hội. Để sớm đưa sản phẩm rau Thuyên An Farm lên kệ hàng các siêu thị trên địa bàn tỉnh, chị đang đầu tư 1 tỷ đồng mở rộng diện tích lên 1.000 m2, tiến tới xây dựng sản phẩm rau xanh các loại đạt chuẩn OCOP.
Cùng phụ nữ khởi nghiệp
Nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên về phong trào PN khởi sự, khởi nghiệp; tạo môi trường cho chị em PN vùng khó khăn và PN yếu thế có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao vị thế, từ năm 2017 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã triển khai Đề án “Hỗ trợ PN khởi nghiệp” (Đề án 939) với nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp hội viên thay đổi nhận thức, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp. Qua 5 năm thực hiện, Hội LHPN tỉnh tổ chức các hoạt động như Ngày PN khởi nghiệp; cuộc thi “PN khởi nghiệp sáng tạo” thu hút hàng trăm ý tưởng, dự án tham gia. Nhiều ý tưởng, dự án thể hiện được tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tham gia các hoạt động này, chị em có cơ hội chia sẻ ý tưởng, tìm tiếng nói chung, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng, hỗ trợ xây dựng sản phẩm đúng hướng và cơ hội tiếp cận các nguồn vốn để hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp.
Phụ nữ xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) khởi sự kinh doanh với sản phẩm nho đặc thù của tỉnh.Ảnh: Văn Nỷ
Đồng chí Phan Thị Ngân Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Nếu như trước đây hoạt động hỗ trợ PN phát triển kinh tế tập trung nhiều vào việc tiếp cận tín dụng, trong đó chủ yếu là tín dụng chính sách, thì nay với yêu cầu của đề án, việc hỗ trợ phải đồng bộ từ trang bị kiến thức, kỹ năng, kết nối vốn, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu... nhằm tạo ra giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất, kinh doanh của chị em. Trong 5 năm thực hiện đề án, Hội LHPN tỉnh phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 28 lớp tập huấn nâng cao năng lực khởi sự kinh doanh; xây dựng các ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp giúp định hướng, gợi mở cho 1.260 hội viên, PN có ý tưởng khởi nghiệp, có nhu cầu khởi sự kinh doanh.
Thiết thực “tiếp sức” cho chị em, các cấp hội chủ động tìm kiếm, kết nối các chương trình tạo nguồn vốn cho hội viên đầu tư xây dựng mô hình, dự án sản xuất, kinh doanh. Đến nay, tổng dư nợ các nguồn vốn vay do Hội LHPN quản lý từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Quỹ Xã hội tỉnh trên 1.311 tỷ đồng với 44.495 hộ vay. Các cấp cũng thành lập “Quỹ hỗ trợ PN khởi nghiệp” hằng năm giúp trên 200 chị tiếp nhận vốn từ 1-5 triệu đồng/hội viên, theo hình thức không lấy lãi hoặc lãi suất thấp. Cùng với đó, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành triển khai thực hiện Đề án 939 trên địa bàn tỉnh với các hoạt động hỗ trợ PN đổi mới sáng tạo phát triển kinh doanh và khởi nghiệp. Qua đó, Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ về tư vấn sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ, xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở và xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng cho 26 doanh nghiệp. Hội đã phối hợp với Sở Công Thương tổ chức cho 20 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã do nữ làm chủ tham gia hoạt động kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm. Cùng với việc tìm kiếm các nguồn vốn, hội tích cực tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm của hội viên PN đến với người tiêu dùng. Sự đồng hành đầy trách nhiệm của các cấp hội PN trên con đường khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp trong những năm qua đã tạo môi trường cho chị em mạnh dạn tham gia khởi nghiệp.
Qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án 939 đã nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, PN trên toàn tỉnh về khởi nghiệp. Phong trào khởi nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong các đối tượng PN, từ đó góp phần tạo việc làm giúp chị em tham gia phát triển kinh tế, từng bước xóa bỏ rào cản về giới, mang lại cơ hội lớn cho PN, nhất là PN vùng nông thôn có điều kiện để khởi nghiệp.
Duy Nam