Kỳ tích nông nghiệp ở vùng đất nắng

Năm đầu tái lập tỉnh (1992), ngành Nông nghiệp (NN) Ninh Thuận đối mặt với không ít khó khăn, nhất là tình trạng thiếu nước tưới do nắng hạn thường xuyên xảy ra. Xuất phát từ khó khăn đó, chủ trương phát triển NN của Đảng bộ tỉnh không ngừng được bổ sung một cách sáng tạo phù hợp với yêu cầu đổi mới của tỉnh, của đất nước. Theo từng giai đoạn, tỉnh đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng bằng các nghị quyết, chương trình, cơ chế, chính sách, tạo sức bật cho ngành NN phát triển trở thành trụ cột của nền kinh tế.

Trong rất nhiều chủ trương phát triển của Đảng bộ tỉnh, thì chủ trương cơ cấu lại ngành NN ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 được Ban Thường vụ Tỉnh ủy cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11/11/2016 là sát với điều kiện thực tiễn của tỉnh nhất. Theo đó, tập trung triển khai thực hiện 3 khâu đột phá trong cơ cấu lại ngành NN, đó là: Đầu tư hạ tầng thủy lợi; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ đối với các sản phẩm đặc thù, có lợi thế của tỉnh; thu hút và phát triển doanh nghiệp đầu tư NN, nhất là NN công nghệ cao (CNC).

Nông dân huyện Ninh Phước trồng rau thủy canh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: M.H

Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Thực hiện các chủ trương lớn của Đảng bộ tỉnh, đơn vị đã triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thủy lợi. Tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm, các khâu đột phá về phát triển hạ tầng NN, nông thôn, nâng cao năng lực thích ứng để hạn chế tác động biến đổi khí hậu, trong đó chú trọng cơ cấu lại ngành Thủy lợi theo hướng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, liên thông các hồ chứa và hệ thống tưới, nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn được đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng như: Đập hạ lưu Sông Dinh, hồ Sông Cái - đập dâng Tân Mỹ. Ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học - công nghệ, nhất là CNC gắn với đào tạo nghề cho nông dân trong sản xuất, chế biến, bảo quản hàng nông sản; thu hút, khuyến khích đầu tư của doanh nghiệp vào vùng NN ứng dụng CNC cho các sản phẩm đặc thù của tỉnh gắn với các cụm liên kết ngành hàng.

Đến nay, NN Ninh Thuận có những khởi sắc toàn diện và đột phá trên một số mặt, chiếm tỷ trọng hơn 30% GRDP của tỉnh, luôn là bệ đỡ của nền kinh tế khi gặp khó khăn. Hệ thống thủy lợi được tập trung đầu tư đồng bộ và phát triển theo hướng đa mục tiêu, đã hoàn thành 22 hồ chứa nước với tổng dung tích 520 triệu m3, trong đó hệ thống thủy lợi Tân Mỹ có dung tích 219 triệu m3, khắc phục được tình trạng hạn hán kéo dài, đảm bảo an ninh nguồn nước và tưới trực tiếp cho 7.480 ha đất canh tác NN. Đầu tư đồng bộ hệ thống kênh cấp 1, cấp 2, cấp 3 với tổng chiều dài hơn 2.606 km, nhờ đó tỷ lệ diện tích gieo trồng được tưới chủ động tăng từ 41,7% năm 2010 lên 62,38% hiện nay.

Ứng dụng CNC vào sản xuất NN được đẩy mạnh, tỷ trọng ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và CNC trong trồng trọt chiếm 39,5%, chăn nuôi 28%, thủy sản 41,1%. Tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm được chú trọng, các cây trồng có giá trị kinh tế cao, lợi thế cạnh tranh như: Nho, táo, tỏi, nha đam, măng tây xanh... được nâng cao năng suất và chất lượng; các mô hình tưới tiết kiệm, liên kết sản xuất được nhân rộng, trong đó đáng kể là liên kết 31 cánh đồng lớn với tổng diện tích hơn 4.242 ha; thu hút 31 dự án NN ứng dụng CNC đi vào hoạt động; trong đó, 18 dự án trồng trọt, 3 dự án chăn nuôi, 8 dự án thủy sản, 2 dự án chế biến nông sản. Thu nhập trên ha đất canh tác tăng từ 57 triệu đồng năm 2005 lên 137 triệu đồng hiện nay. Phát triển chăn nuôi tập trung ứng dụng CNC khép kín gắn với phòng, chống và kiểm soát bệnh được tăng cường, hiện trên địa bàn tỉnh có 39 trang trại liên kết nuôi gia công cho doanh nghiệp; quy mô đàn gia súc ổn định từ 141.691 con năm 1992 lên 521.268 con hiện nay. Trong những năm gần đây, các hộ đã đầu tư chăn nuôi gia súc vỗ béo, ứng dụng CNC, kết hợp chuyển đổi đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi đạt 1.260 ha được cho là giải pháp bền vững, hiệu quả nhất hiện nay.

Đập thủy lợi Tân Mỹ, xã Phước Hòa (Bác Ái). Ảnh: V.M

Nghề khai thác hải sản chuyển dịch theo hướng phát triển đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Năng lực khai thác được tăng lên, đến nay có 2.267 tàu tham gia khai thác xa bờ; sản lượng khai thác đạt 126.000 tấn/năm, tăng 9,8 lần so với năm 1992; dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển khá, chất lượng nâng lên. Chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước đạt mục tiêu đề ra và luôn phát huy lợi thế, thế mạnh, năng lực sản xuất tăng nhanh, cung ứng khoảng 30% nhu cầu cả nước. Nếu như năm 1992 toàn tỉnh sản xuất được 40 triệu con tôm giống thì đến năm 2022 sản lượng tôm giống đạt 39,650 tỷ con.

Bước sang giai đoạn mới, NN Ninh Thuận đang có những cơ hội, thời cơ mới, đó là xu hướng phát triển NN CNC gắn với phát triển kinh tế số, chuyển đổi số theo hướng hiện đại, đồng bộ; đồng thời, phát huy các giá trị khác biệt của NN bán khô hạn gắn với phát triển thị trường, từng bước tiến tới xuất khẩu một số sản phẩm NN của tỉnh. Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 12/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh phát triển NN ứng dụng CNC giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 xác định: Phát triển NN ứng dụng CNC phục vụ tốt nhiệm vụ cơ cấu lại ngành NN gắn với xây dựng nông thôn; góp phần phát triển sản xuất NN của tỉnh hiện đại, đồng bộ, năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước. Tập trung nghiên cứu, ứng dụng CNC vào sản xuất đối với sản phẩm NN đặc thù, khác biệt, có lợi thế của tỉnh. Nâng cao năng suất, chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao, phát huy đội ngũ các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật, viện nghiên cứu, các trung tâm, trường đại học trong lĩnh vực ứng dụng CNC - xem đây là giải pháp đột phá, trọng tâm, động lực để phát triển.

Với tầm nhìn mới và sự quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, kỳ vọng ngành NN sẽ tiếp tục là trụ cột kinh tế của tỉnh, hướng tới nền NN CNC gắn với công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường.