Ký ức về con đường 21 Tháng 8

Trong ký ức của nhiều người sinh ra và lớn lên tại Ninh Thuận, có lẽ con đường 21 Tháng 8 sẽ có nhiều kỷ niệm khó quên. Bởi đây vừa là con đường huyết mạch kết nối của Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, vừa mang đậm dấu ấn lịch sử.

Đường 21 Tháng 8 kéo dài từ đường Thống Nhất đến địa giới hành chính huyện Ninh Sơn, với chỉ giới chiều ngang 21 m, qua các phường Đô Vinh, Bảo An, Phước Mỹ, Phủ Hà, Mỹ Hương; đoạn đường từ Thống Nhất đến ngã năm Phủ Hà, xưa tên là đường Trưng Nữ Vương. Trước đây, đường 21 Tháng 8 là đường duy nhất nối Tháp Chàm với thủ phủ Phan Rang, nơi có trụ sở chính quyền và nhiều cơ sở hạ tầng khác của tỉnh. Đường 21 Tháng 8 đã trở thành nơi giao thoa của các hoạt động kinh tế, văn hóa và xã hội; nét văn hóa đặc trưng của người dân Phan Rang.

Đường 21 Tháng 8 gắn với sự kiện lịch sử của tỉnh ta. Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh, trưa ngày 16/8/1945, được tin Nhật đã đầu hàng phe đồng minh vô điều kiện, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đề ra kế hoạch chuẩn bị cho việc khởi nghĩa giành chính quyền. Được tin chiều ngày 21/8/1945, tổ chức “Thanh niên tiền tuyến” thân Nhật sẽ tổ chức mít tinh tại sân Trường Tiểu học Bảo An (nằm trên đường 21 Tháng 8), ngay trưa ngày 20/8, Ủy ban Việt Minh tỉnh họp bất thường quyết định biến cuộc mít tinh trên thành cuộc mít tinh công khai của Việt Minh, kêu gọi quần chúng đứng lên giành chính quyền. Vào 15 giờ, ngày 21/8/1945, đông đảo thanh niên cứu quốc, công nhân, quần chúng cách mạng được trang bị vũ khí thô sơ, băng rôn, khẩu hiệu, cờ đã biến cuộc mít tinh của địch thành cuộc biểu tình tuần hành thị uy của quần chúng cách mạng và nhanh chóng giành chính quyền ở Tháp Chàm. 18 giờ 45 phút cùng ngày, đoàn biểu tình kéo xuống Phan Rang phối hợp với lực lượng cách mạng khống chế các công sở, đồn trại của binh lính tay sai Nhật. Tỉnh trưởng Phan Văn Phúc giao nộp ấn tín, chìa khóa, chỉ kho bạc... cho Việt Minh, đánh dấu chính quyền cấp tỉnh đã về tay nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của cán bộ Việt Minh các cấp, từ ngày 21 đến 22/8, hầu hết các làng, huyện, tổng trong tỉnh nhanh chóng giành được chính quyền. Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời được thành lập và ra mắt đồng bào vào ngày 22/8/1945.

Một góc cơ sở hạ tầng đường 21 Tháng 8 (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm).Ảnh: Văn Nỷ

Từ truyền thống hào hùng đến những năm tháng khó khăn khôi phục kinh tế, sau 31 năm tái lập tỉnh, đường 21 Tháng 8 giờ đây đã "thay da đổi thịt", theo kịp tốc độ đô thị hóa. Những ngày tháng Tư lịch sử đường lại như đẹp hơn bởi được trang trí cờ hoa và bởi lòng người rộn ràng hòa mình vào khí thế của năm tháng lịch sử.

Ông Phạm Văn Đăng (85 tuổi), người dân sinh sống tại khu phố 6, phường Phước Mỹ (Tp.Phan Rang - Tháp Chàm) chia sẻ: Trước năm 1975, đường 21 Tháng 8 còn chật hẹp, xung quanh ven hai bên đường rất ít nhà cửa, thưa vắng. Cứ khoảng 8 giờ tối là không ai dám ra đường, phần vì sợ lạc đạn, phần sợ quân địch nghi ngờ đi tiếp tế cho cách mạng và bị bắt. Sợ nhất khoảng 1-2 giờ sáng nghe tiếng súng nổ là chúng tôi tháo chạy ra Trung tâm Khí tượng thủy văn ngay trên đường 21 Tháng 8 trốn, sau khi hết tiếng súng là tìm xem người nhà có ai bị sao không. Sau năm 1975, trên đường còn có Hợp tác xã mà nay là Hội trường khu phố 6, bà con thường đến đây phơi lúa, làm nông nghiệp, khu vực chợ Phước Mỹ lúc này cũng còn sơ sài, chỉ có vài ba hàng quán tạm bợ. Bây giờ đường phố phát triển, văn minh hiện đại, mua bán thuận tiện, nhiều nhà mới to đẹp, chứng kiến sự đổi thay của quê hương từng ngày, tôi thấy lòng phấn khởi lắm.

Với lớp người lớn tuổi, nếu như Hợp tác xã, Trung tâm Khí tượng thủy văn hay chợ là những điểm nhấn chính tạo nên chiều sâu ký ức con đường 21 Tháng 8, thì ngày nay những ngôi nhà cao tầng, những góc ngã tư với hàng quán mang nhịp sống trẻ trung, cởi mở lại đang hiện lên trong ký ức của những người trẻ tuổi. Thật may mắn và tự hào, khi cơ quan của tôi và nhà ở hiện tại của tôi lại tọa lạc trên chính con đường này. Mỗi ngày đi làm qua con đường mang không ít dấu ấn lịch sử của cha ông ta lòng tôi rất đỗi vinh dự, tự hào và thêm chộn rộn vui mừng khi cả tỉnh đang hân hoan chào mừng 31 năm tái lập tỉnh (1/4/1992 - 1/4/2023) và 48 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận (16/4/1975 - 16/4/2023), giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/42023).

Đường 21 Tháng 8 ngày nay còn là con đường học trò, dễ thấy nhất là các ngôi trường THPT như: Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Tháp Chàm được tọa lạc dọc trên trục đường chính với khuôn viên rộng lớn và khá đẹp. Bên cạnh đó còn có các trường THCS và tiểu học lân cận. Sáng chiều mỗi ngày trong tuần, các em học sinh nhỏ tung tăng khăn quàng đỏ trên vai đến trường, còn các em học sinh lớp lớn thì áo dài thướt tha rợp cả một quãng đường.

Giờ đây, nhiều tuyến đường mới, rộng mở khang trang kết nối với trục đường 21 Tháng 8 đã tạo nên dáng vẻ hiện đại cho Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Nhưng cho dù cuộc sống phát triển theo hướng hiện đại, quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, nhưng những ký ức lịch sử về đường 21 Tháng 8 vẫn luôn được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Là sự tiếp nối của truyền thống yêu quê hương, đất nước, khát vọng dựng xây, vững bước đi lên phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.