Nâng cao năng lực y tế cơ sở

Được xem là “tuyến xương sống” của ngành Y tế, hệ thống y tế ở tuyến huyện và xã (y tế cơ sở - YTCS) có vai trò quan trọng trong triển khai thực hiện các biện pháp phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Một ngày đầu tháng Tư, đến thăm Trạm Y tế xã Phước Bình (Bác Ái), chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay toàn diện của địa phương vùng núi. Nếu trước đây, Phước Bình là địa phương gần như trắng về y tế, thì hiện nay, trạm y tế được đầu tư xây dựng khá đồng bộ cả về nhân lực, vật lực. Trạm hiện có 6 cán bộ y tế, trong đó có 1 y sĩ, 12 phòng chức năng với trang, thiết bị như máy điện tim, bộ ghế nha khoa, máy xét nghiệm nước tiểu, các dụng cụ y khoa khác… Trung bình mỗi ngày trạm tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân. Y sĩ Ngọc Văn Lâm, Trưởng trạm Y tế xã cho biết: Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và tinh thần đoàn kết, nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ y tế, công tác chăm lo sức khỏe nhân dân địa phương cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu của bà con.

Trung tâm Y tế huyện Ninh Phước đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Ảnh: TM

Với các chính sách đào tạo, thu hút nhân lực, tập trung các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, những năm gần đây mạng lưới YTCS trên địa bàn tỉnh không ngừng được mở rộng, nâng cấp. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ra quyết định sáp nhập, hợp nhất một số đơn vị; giải thể một số trạm y tế xã, phường, thị trấn và giao trung tâm y tế huyện, thành phố đảm nhiệm chức năng, nhiệm vụ của các trạm y tế xã, phường đã giải thể. Toàn tỉnh có 59/65 xã, phường, thị trấn có trạm y tế. Bộ máy tổ chức được sắp xếp bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Từ ngày 1/1/2023, tất cả 7 trung tâm y tế và các trạm y tế xã, phường được chuyển giao UBND các huyện, thành phố quản lý. Về nhân lực, tuyến huyện có 754 cán bộ y tế, trong đó 141 bác sĩ, 187 điều dưỡng, 50 kỹ thuật y; tuyến xã,phường có 420 cán bộ, trong đó có 76 điều dưỡng, 100% trạm đều có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi, 54/59 xã có bác sĩ làm việc đạt 91,5%.

Chất lượng dịch vụ YTCS từng bước được cải thiện, cung ứng kịp thời các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh cho người dân. Với cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư, đội ngũ thầy thuốc được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn; đặc biệt, thông qua Đề án 1816, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chuyển giao nhiều kỹ thuật cho các trung tâm y tế, với các nội dung về: Sản, hồi sức cấp cứu, xét nghiệm và an toàn sinh học... giúp y tế tuyến huyện nâng cao năng lực hoạt động. Hiện tỷ lệ khám, chữa bệnh tại các bệnh viện, phòng khám tuyến huyện ngoại trú đạt 850 lượt/1.000 dân, nội trú đạt 27 lượt/1.000 dân, công suất sử dụng giường bệnh bình quân hằng năm của trung tâm y tế huyện đạt 60%; 100% trung tâm y tế huyện đều thực hiện tốt công tác quản lý các bệnh khônglây nhiễm.

Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhiệt tình chăm sóc bệnh nhân.Ảnh: Văn Nỷ

Đối với tuyến xã, hiện tỷ lệ trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đạt 98,31%; 100% trạm y tế xã thực hiện được trên 50% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế tăng từ 78,4% năm 2018, hiện lên 95,3%. Tỷ lệ dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe đã được cải thiện rõ rệt, từ 28,7% năm 2018 hiện lên 85,06%. Các chỉ tiêu quản lý sức khỏe hằng năm đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Trong đó, năm 2022 tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin đạt 96,2%; tỷ lệ phụ nữ có thai được khám thai từ 4 lần trở lên đạt 83,1%; tỷ lệ phụ nữ có thai được cán bộ y tế đỡ đẻ 99,5%; tỷ lệ trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh 91,05%; tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 12,4% và suy dinh dưỡng chiều cao 22,4%. Trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm đạt 89,9%. Việc phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, được quan tâm thực hiện tốt...

Đồng chí Lê Vũ Chương, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động YTCS vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Nhân lực YTCS vẫn còn thiếu, nhất là chức danh bác sĩ; một số cơ sở y tế thiếu trang thiết bị, máy móc; mạng lưới y tế thôn đã được đào tạo trước đây dừng hoạt động, do không có chế độ phụ cấp đã làm ảnh hưởng hệ thống phòng, chống dịch bệnh và quản lý công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng... Thời gian tới, Sở Y tế tích cực tham mưu cho tỉnh các giải pháp tiếp tục kiện toàn, nâng cao hơn nữa năng lực cho tuyến YTCS. Cụ thể, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn trên địa bàn tỉnh; Quyết định phê duyệt Đề án tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 120/NĐ-CP của Chính phủ; Quyết định phê duyệt chức năng nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập; Quyết định phê duyệt Đề án vị trí việc làm của cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm hoàn thiện bộ máy tổ chức, nhân lực.

Tham mưu tập trung các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nhân lực cho YTCS. Chỉ đạo cơ sở y tế tuyến tỉnh tích cực chuyển giao kỹ thuật cho tuyến huyện... nhằm phục vụ tốt yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhân dân, giảm tải cho tuyến trên.