Xanh biếc ruộng đồng vùng cao
Trở lại xã vùng cao Phước Hà vào dịp toàn tỉnh kỷ niệm 48 năm giải phóng quê hương Ninh Thuận, chúng tôi ghi nhận nhịp sống mới trên từng thửa ruộng của đồng bào Raglai. Bà con cần mẫn một nắng hai sương gắn bó chăm sóc cây lúa vụ đông- xuân mơn mởn lên xanh. Đồng ruộng Phước Hà gieo trồng 2-3 vụ bảo đảm ăn chắc nhờ chủ động tưới từ hệ thống thủy lợi Tân Giang và Sông Biêu được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng có sức chứa 36 triệu khối nước. Đây là hai công trình phục vụ nông nghiệp tạo động lực giúp người dân vùng căn cứ Anh Dũng đầu tư thâm canh cây trồng kết hợp chăn nuôi gia súc vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đến cánh đồng Rồ Ôn với diện tích khoảng 30 ha được Nhà nước san ủi lên bờ phân lô cấp cho nông dân canh tác trong những năm đầu tái lập tỉnh. Cánh đồng “sỏi đá” của buổi đầu khai hoang được bà con đầu tư canh tác bồi bổ đất đai trở thành đồng lúa trù phú như ngày nay. Chị Chamaléa Thị Na ở thôn Rồ Ôn phấn khởi: Gia đình tôi vừa thu hoạch 5 sào lúa vụ mùa 2022, năng suất bình quân đạt 5 tạ/sào. Thương lái thu mua lúa khô giống TH6 với giá 7.500 đồng/kg. Đây là vụ lúa canh tác “1 phải, 5 giảm” theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, thu hoạch được mùa được giá nên bà con vui mừng. Thời tiết thuận lợi, nước tưới đầy đủ, phân bón cân đối, gia đình đầu thư thâm canh vụ lúa đầu năm 2023, phấn đấu đạt năng suất 6,5-7 tạ/sào. Cuộc sống bà con no ấm đủ đầy, không còn thiếu ăn giáp hạt như những năm trước.
Nông dân xã Phước Hà đưa thiết bị cơ khí vào làm đất và lắp đặt hệ thống tưới phun tiết kiệm nước.
Trao đổi với đồng chí Tạ Yên Xem, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hà, chúng tôi được biết vụ mùa vừa qua, nông dân gieo trồng 162 ha lúa, 56 ha bắp, chuyển đổi 11 ha đất lúa ruộng gò kém hiệu quả sang trồng cây đậu xanh. Mùa vụ đạt năng suất, lúa bán được giá, bà con tập trung sản xuất vụ lúa đông - xuân với diện tích 327 ha, lúa sinh trưởng tốt. Công trình thủy lợi Sông Biêu và Tân Giang tích 23 triệu khối nước đủ tưới cho diện tích lúa và bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt, nước chăn nuôi gia súc. Đời sống kinh tế - xã hội của người dân Phước Hà ngày càng phát triển, từng bước vươn lên rút ngắn khoảng cách phát triển với miền xuôi. Tính riêng trong năm 2022, Phước Hà gieo trồng 945 ha cây trồng hằng năm, bao gồm 640 ha lúa năng suất đạt 50-55 tạ/ha; bắp 80 ha năng suất đạt 45-50 tạ/ha. Bà con đầu tư chăn nuôi 4.138 con gia súc có sừng, bao gồm 2.022 con bò và 1.718 con dê, cừu; bình quân mỗi nông hộ chăn nuôi 4 con gia súc có sừng. Toàn xã có 968 hộ, với 3.932 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới hiện còn 492 hộ, giảm 11% so với cuối năm 2021.
Diện mạo nông thôn mới
Chúng tôi thật sự vui mừng trước diện mạo nông thôn mới (NTM) xã An toàn khu Phước Hà ngày càng phát triển. Hệ thống giao thông nội thôn, liên thôn được bê tông xi măng khang trang. Nhiều tuyến đường lắp đèn chiếu sáng, bảo đảm an toàn cho người dân đi lại ban đêm. Trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu học tập, khám, chữa bệnh cho nhân dân. Tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đoạn qua xã Phước Hà đang được khẩn trương thi công. Cây cầu bê tông hiện đại bắc qua Sông Lu dài 420 m, rộng 10 m, vốn đầu tư trên 16 tỷ đồng hoàn thành đưa vào sử dụng đầu năm 2022, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản của người dân. Dự án đường nối từ cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 và cảng biển Cà Ná dài 14,8 km qua xã Phước Hà, tạo động lực giao thương đưa kinh tế địa phương phát triển nhanh và bền vững.
Cầu bê tông bắc qua Sông Lu đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Đồng chí Tà Thía Banh, Bí thư Đảng ủy xã Phước Hà phấn khởi cho biết: Đồng bào Raglai xã Phước Hà một lòng son sắt đi theo Đảng làm cách mạng, đến ngày thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước. Chiến khu Anh Dũng là chỗ dựa lòng dân vững chắc của các cơ quan lãnh đạo tỉnh. Phước Hà có 49 người con ưu tú anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Và có 6 bà mẹ vinh dự được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tháng 12/1994, quân dân xã Phước Hà được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày 19/2/2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 281/QĐ-TTg công nhận Phước Hà là xã An toàn khu. Và ngày 2/2/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký ban hành Quyết định số 149/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ ăn mừng đầu lúa mới của người Raglai xã Phước Hà vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, nhân dân địa phương. Tính đến nay, Phước Hà đạt 12/19 tiêu chí NTM, gồm quy hoạch, giao thông, cơ sở văn hóa, thông tin và truyền thông, thu nhập, lao động, giáo dục, văn hóa, quốc phòng và an ninh. Cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục lãnh đạo, vận động nhân dân đoàn kết, huy động các nguồn lực chung tay xây dựng Phước Hà phấn đấu đạt chuẩn các tiêu chí xã NTM.
Nhiều nông hộ phát triển trồng trọt kết hợp chăn nuôi gia súc có sừng bảo đảm cuộc sống khá giàu tiêu biểu như hộ ông Ô Rai Nô, bà Chamaléa Thị Linh, Vó Thị Ly... Đời sống kinh tế phát triển, người dân xã Phước Hà tập trung đầu tư nuôi con ăn học. Mạng lưới trường học từ mẫu giáo đến THCS được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Trong năm học 2022-2023, toàn xã có 698 học sinh học tập tại địa phương. Phước Hà hiện có 27 người tốt nghiệp đại học, cao đẳng làm việc tại các tỉnh phía Nam và 16 sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Riêng đội ngũ cán bộ, công chức xã có 25 người đều tốt nghiệp đại học. Nhiều gia đình nêu gương điển hình tiêu biểu trong phong trào khuyến học, khuyến tài ở địa phương...
Học sinh xã Phước Hà phấn khởi học tập trong môi trường giáo dục an toàn, thân thiện.
Chia tay xã Phước Hà, chúng tôi nhớ lời bộc bạch thân tình của đồng chí Tà Thía Banh: Mục tiêu của cấp ủy và chính quyền xã Phước Hà giai đoạn 2021-2025 là tập trung đầu tư đưa đời sống nhân dân phát triển nhanh và bền vững. Chú trọng đầu tư kỹ thuật chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đạt tổng giá trị sản xuất 22,5 tỷ đồng/năm. Phát triển chăn nuôi gia súc có sừng theo hướng hàng hóa đạt hiệu quả kinh tế cao. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Raglai. Phấn đấu đến cuối năm 2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới xuống dưới 28%; chăm lo động viên thanh thiếu niên tích cực học tập có trình độ học vấn cao trở về tham gia xây dựng địa phương phát triển giàu mạnh, xứng đáng với truyền thống cách mạng của quê hương An toàn khu anh hùng.
Sơn Ngọc