Núi Cà Đú là một địa danh lịch sử nằm giữa vùng đồng bằng rộng lớn thuộc thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) có độ cao trên 300 m, diện tích khoảng 3 km2. Chân núi về phía Bắc giáp Đầm Nại, phía Tây giáp Quốc lộ 1, phía Đông giáp khu đất rẫy và có rừng thưa. Phía Nam giáp trục đường từ Ninh Chữ đến Quốc lộ 1. Với những tảng đá chồng chất lên nhau và nhiều hang động, ngõ ngách nên núi Cà Đú khá hiểm trở. Chính nhờ địa thế này, từ những ngày đầu của phong trào Cần Vương, nghĩa quân đã chọn núi Cà Đú làm căn cứ chống Pháp. Cũng từ đây, các đội trinh sát, các đơn vị vũ trang và cán bộ cách mạng suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã bám trụ gầy dựng cơ sở, tổ chức trừ gian, diệt ác.
Theo tài liệu ghi lại, vào tháng 8/1954, Tỉnh ủy Ninh Thuận quyết định chia đồng bằng thành 5 vùng (1,2,3,4,5) và thị xã Phan Rang - Tháp Chàm. Vùng ủy Vùng 5 do đồng chí Nguyễn Nhất Tâm làm Bí thư. Đầu năm 1955, cơ quan Vùng ủy Vùng 5 đóng ở núi Cà Đú tiếp tục tổ chức chỉ đạo phong trào kháng chiến ở địa phương, bí mật bám dân ở các thôn, xã lân cận để xây dựng cơ sở.
Năm 1965, địch xây dựng sân bay Thành Sơn, cảng Ninh Chữ và dẫn dầu từ Ninh Chữ lên sân bay. Nhằm bảo vệ các công trình quân sự này, địch cho lập nhiều đồn bốt trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 11 (nay là Quốc lộ 27), ngay núi Cà Đú chúng cho lính Nam Triều Tiên chốt ở đây (cây số 6 trên Quốc lộ 1). Căn cứ Cà Đú nằm trong vùng phong tỏa của địch, nhưng cũng không làm hoang mang tinh thần chiến đấu của các đơn vị vũ trang, cán bộ Đảng ủy và nhân dân ta.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, căn cứ Cà Đú nằm trong vùng tạm chiếm giữ vòng vây của địch, nhưng lực lượng kháng chiến ở đây vẫn đứng vững và gây cho địch nhiều thiệt hại về vật chất cũng như tinh thần. Địch đã mở nhiều đợt càn quét, đánh phá hòng tiêu diệt căn cứ này nhưng không thu được kết quả, có lúc chúng chuyển sang đánh phá các vùng quanh núi, quyết triệt nguồn tiếp tế.
Bà Nguyễn Thị Bảy, 85 tuổi, ở khu phố Khánh Sơn 1, thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải)người đã từng tiếp tế trong cách mạng chỉ khu vực hang Đá Dù là nơi hoạt động cách mạng của quân ta
tại núi Cà Đú năm xưa.
Hôm nay, được về thăm di tích lịch sử núi Cà Đú, chúng tôi vẫn cảm thấy bồi hồi, xúc động và rất đỗi tự hào. Trong không khí những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đã tìm gặp những người tham gia cách mạng năm xưa, để nghe họ kể về khí thế nô nức, hừng hực kháng chiến không quản ngại hy sinh năm ấy. Như được sống trong những năm tháng kháng chiến cứu quốc, bà Nguyễn Thị Bảy, 85 tuổi, ở khu phố Khánh Sơn 1, thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải), người đã từng tiếp tế cho lực lượng cách mạng tại núi Cà Đú, say sưa kể cho chúng tôi nghe năm tháng cùng với chính quyền, quân và dân tỉnh ta anh dũng chiến đấu, góp phần giải phóng quê hương, đất nước. Bà kể: Lúc bấy giờ, lực lượng kháng chiến ở núi Cà Đú hoạt động trong điều kiện rất nhiều khó khăn, nhưng được sự giúp đỡ của nhân dân địa phương, đã không ngại khó kiên trì bám trụ, ra sức lập nhiều chiến công góp phần không nhỏ trong công cuộc giải phóng Ninh Thuận, gây được niềm tin yêu vào cách mạng của nhân dân thị xã Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Ninh Hải và nhân dân toàn tỉnh Ninh Thuận nói chung. Căn cứ núi Cà Đú có một vị trí rất quan trọng nằm giữa vùng bị tạm chiến, gần dân nhất và cũng gần địch, nhưng căn cứ Cà Đú lại bất khả xâm phạm. Kẻ địch coi Cà Đú là cái gai, sự tồn tại của căn cứ Cà Đú là mối uy hiếp nghiêm trọng đối với cơ quan đầu não của địch ở Phan Rang - Tháp Chàm, nên chúng liên tục đánh phá bằng nhiều thủ đoạn quân sự, chính trị, kinh tế. Để trả thù cho những thất bại, chúng thường bắt tù binh và những người yêu nước bị giam cầm ở nhà lao Phan Rang lên xung quanh chân núi Cà Đú bắn. Có lần chúng bắn chết anh em tù nhân rồi dùng loa kêu gọi chiêu hàng. Những hành động dã man ấy như đổ thêm dầu vào lửa, làm cho nội bộ ta càng tăng thêm lòng yêu nước và lòng căm thù giặc sâu sắc. Nắm được địa thế núi Cà Đú có điểm bất lợi là không thể sản xuất được lương thực, thực phẩm, ngay cả nguồn nước uống cũng cần sự tiếp tế, vì thế địch đã dùng mọi thủ đoạn quyết triệt tiêu mọi nguồn tiếp tế của dân cho lực lượng cách mạng. Lúc này, quân ta lấy hang Đá Dù nằm trên núi Cà Đú làm căn cứ hoạt động cách mạng, hang Đá Dù cách chân núi khoảng 100 m, hang rộng, có bệ đá lớn đến 3-4 m2. Để ngăn chặn đồng bào các địa phương tiếp tế, địch kiểm soát rất gắt gao, tịch thu từng lon gạo của những người làm ruộng, làm rẫy đem theo để ăn trưa. Chúng cấm ngặt ghe thuyền, xe cộ không được đến ven chân núi Cà Đú. Nhưng với lòng yêu nước, niềm tin sắc son vào cách mạng, tôi cùng người dân ở khu vực Xóm Dừa, Dư Khánh... đã không ngại gian khó, hy sinh tìm đủ mọi cách để tiếp tế lương thực cho du kích. Địch chặn đường bộ, chúng tôi lại vận chuyển bằng đường thủy qua Đầm Nại. Đêm đêm, từng đoàn sỏng cu (thuyền nan nhỏ đủ 2 người ngồi) ở Dư Khánh vẫn lướt qua đồn địch chuyển hàng lên căn cứ, có lúc chúng tôi bí mật vượt qua đồn bốt, đem hàng đến địa điểm tập trung để các cơ quan, đơn vị về lấy. Có lúc công khai ban ngày, chúng tôi đuổi bò cho ăn ven chân núi rồi mật báo cho bộ đội ta xuống bắt làm thịt.
Mặc dù quân địch tìm mọi cách tiêu diệt nhưng các trận càn quét, bao vây, phản kích của địch đều bị quân kháng chiến bám trụ ở núi Cà Đú đánh lui. Bao năm bám trụ chịu đựng mọi gian khổ, lực lượng kháng chiến ở núi Cà Đú đã giữ vững niềm tin cách mạng. Chính sự đùm bọc của nhân dân quanh vùng đã tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ cách mạng và tạo nên huyền thoại về các trận đánh “xuất quỷ nhập thần” của lực lượng kháng chiến. Chứng tích ấy ngày nay vẫn còn lưu lại trong ký ức của người dân trong tỉnh.
Trong những ngày của tháng 4/1975 lịch sử, căn cứ Cà Đú là nơi đóng quân đơn vị 311 của tỉnh để cùng lực lượng vũ trang thị xã Phan Rang - Tháp Chàm triển khai đánh phá Tháp Chàm, vào ngày 16/4/1975, Ban liên lạc cùng quân chủ lực tấn công đánh chiếm Phan Rang, góp phần giải phóng hoàn toàn tỉnh Ninh Thuận. Căn cứ núi Cà Đú mãi là niềm tự hào của vùng đất và con người nơi đây, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng ý nghĩa cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Phan Anh