Tháng Tư về thăm chiến khu Anh Dũng

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi trở về chiến khu Anh Dũng, xã Ma Nới (Ninh Sơn). Nơi đây hiện lên với những công trình dân sinh hiện đại, cánh đồng lúa xanh màu bạt ngàn, những dãy nhà mới khang trang... là minh chứng rõ nhất cho thấy sự đổi thay, sức sống mới ở vùng đất cách mạng năm xưa.

Với địa thế chiến lược, trong đó phần lớn là đồi núi và đất rừng hiểm trở, vùng đất Ma Nới năm xưa là căn cứ cách mạng, diễn ra nhiều sự kiện lịch sử hào hùng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tại đây, từ năm 1946, Trung đoàn 81 thành lập căn cứ lấy tên là CK7, đến đầu năm 1953, xây dựng thành căn cứ Anh Dũng, trở thành nơi làm việc, hoạt động lãnh đạo, xây dựng các phong trào cách mạng. Trong quá trình kháng chiến, đồng bào Raglai địa phương đã phối hợp với lực lượng vũ trang nhân dân đóng trên địa bàn tổ chức đánh địch, bảo vệ căn cứ Anh Dũng thành trận địa bất khả xâm phạm, là căn cứ cách mạng vững chắc của quân và dân ta, góp phần quan trọng cùng với quân và dân toàn tỉnh nổi dậy giải phóng quê hương Ninh Thuận vào ngày 16/4/1975, góp phần cùng cả nước làm nên chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975.

Giờ thể dục của học sinh Trường Tiểu học Tà Nôi. Ảnh: V.M

Tiếp bước truyền thống hào hùng, sau thống nhất đất nước, nhất là giai đoạn tái lập tỉnh, cán bộ, người dân nơi đây đã chung tay, đồng lòng nỗ lực khắc phục những khó khăn để tập trung phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) đạt những kết quả đáng ghi nhận. Là xã thuần nông nghiệp, có 98% là đồng bào dân tộc Raglai, việc thay đổi phương thức, tập quán canh tác nông nghiệp từ nương rẫy, với phương tiện thô sơ sang áp dụng các kiến thức khoa học, cơ giới hóa đã đặt nền tảng lớn trong thay đổi tư duy, nhận thức trong lao động, sản xuất người dân, góp phần nâng cao thu nhập. Thông qua các chương trình hỗ trợ vốn ưu đãi, đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hiện nay, người dân địa phương tự chủ canh tác, với diện tích sản xuất 1.792 ha, trong đó chủ lực có 168 ha lúa nước, năng suất đạt 45 tạ/ha; 798 ha bắp, năng suất đạt 30 tạ/ha; 620 ha đậu, năng suất 10 tạ/ha cùng nhiều cây trồng khác. Đồng thời, người dân tận dụng các đồng cỏ tự nhiên, phụ phẩm nông nghiệp để chăn nuôi bò, dê, trâu với tổng đàn trên 4.100 con. Từ nông nghiệp, nhiều hộ dân đã có nguồn thu nhập ổn định, nuôi con ăn học, xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm thiết bị phục vụ cuộc sống, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên, qua đó kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 35,05%. Đồng chí Nghiêm Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Ma Nới cho biết: Song song với những chuyển biến trong phát triển kinh tế, đời sống văn hóa - xã hội của đồng bào Raglai cũng đạt được những thành quả nhất định. Chất lượng giáo dục được nâng lên, phụ huynh có ý thức quan tâm đến việc học tập của con em, nhờ vậy tỷ lệ học sinh đến lớp đạt trên 98%. Nhiều thế hệ học sinh có trình độ cao đã trở về công tác, lao động tại địa phương. Hệ thống trạm y tế xây dựng khang trang, phục vụ tốt nhu cầu khám, chữa bệnh. Địa phương tích cực phối hợp cùng các tộc họ nhằm phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào Raglai... góp phần hoàn thành 11/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Điểm sáng trong thay đổi diện mạo của địa phương chính là hệ thống hạ tầng giao thông được kết nối thông suốt, liền mạch. Trong ký ức của nhiều người, Ma Nới từng là xã miền núi cách trở bậc nhất của tỉnh vì địa hình bị ngăn cách bởi nhiều sông, suối nguy hiểm. Thế nhưng với nguồn lực đầu tư lớn của Nhà nước về hạ tầng giao thông đã tạo bước đột phá về phát triển KT-XH của địa phương. Điển hình là tuyến đường từ trung tâm xã về thôn Tà Nôi dài gần 7 km được đưa vào hoạt động năm 2021 đã phá vỡ thế cô lập của thôn Tà Nôi, giúp người dân dễ dàng di chuyển qua lại giữa các thôn. Hay mới đây nhất, Dự án đường nối từ thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đi qua địa bàn xã Ma Nới đang được triển khai, kỳ vọng mở ra một bước ngoặt lớn để thúc đẩy sự giao thương, kết nối của địa phương với các vùng trong và ngoài tỉnh, qua đó góp phần thu hút các nguồn lực đầu tư trong tương lai.

Sự đổi thay, đi lên từng ngày của vùng căn cứ cách mạng năm xưa là nhờ những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước cũng như sự đoàn kết, thống nhất của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững. Đây là nền tảng để Ma Nới viết tiếp trang sử đầy tự hào của quê hương trong thời kỳ mới.