Trở lại di tích đồn Tà Lú - Ma Ty

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi trở lại thăm di tích đồn Tà Lú - Ma Ty (đồn Tà Lú thuộc xã Phước Đại, đồn Ma Ty thuộc xã Phước Thắng, huyện Bác Ái). Đây là địa chỉ đỏ gắn với sự kiện lịch sử trong quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, là nơi giáo dục truyền thống dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.

Đồn Tà Lú nằm cạnh Sông Sắt (sông Tà Lú), phía Đông là dãy núi Tà Năng, phía Tây là tỉnh lộ xung quanh đều có cư dân sinh sống. Đồn gồm một lô cốt xây bằng đá và xi măng, một trại lớn làm bằng tranh, tre, xung quanh là hàng rào dây thép gai. Đồn Ma Ty đóng trên một gò đất bằng phẳng, phía Nam là suối Ma Ty, phía Đông là dãy núi Tà Năng, xung quanh đều có cư dân sinh sống. Về quy mô, kiểu cách xây dựng đồn Ma Ty cũng giống đồn Tà Lú. Mỗi đồn bố trí một đại đội (120 người) được trang bị vũ khí hiện đại.

Đoàn viên, thanh niên thăm Đài tưởng niệm chiến thắng đồn Tà Lú - Ma Ty (Bác Ái).

Vào tháng 8/1960, một số lực lượng nòng cốt của ta đóng ở Khánh Hòa tập kết về đóng tại Núi Xanh (thuộc phần đất của Phước Chính và Phước Kháng), kết hợp với cán bộ nằm vùng, du kích địa phương để đánh đồn Tà Lú - Ma Ty. Khoảng 4 giờ, ngày 30/8/1960, tại điểm tập kết ở Núi Xanh, quân ta chia làm 2 mũi, vượt núi Tà Năng đánh đồn địch. Mũi thứ nhất tấn công vào đồn Tà Lú, do đồng chí Thành Nhân chỉ huy. Mũi thứ hai tấn công vào đồn Ma Ty, do đồng chí Vũ chỉ huy. Bằng lối đánh đặc công (đánh ngay trong lòng địch) quân ta đã bí mật đột nhập vào đồn địch, phía trong lực lượng chủ lực bất ngờ nổ súng, phía ngoài du kích bắn vào làm cho địch trở tay không kịp, chống đỡ yếu ớt, cuối cùng bỏ chạy tan tác. Thừa cơ hội ta tấn công đốt đồn, đánh sập cầu bắc qua Sông Sắt, cắt đứt tuyến giao thông liên lạc của địch và giành thắng lợi hoàn toàn.

Với thắng lợi ở đồn Tà Lú - Ma Ty, ta đã giải phóng được một số dân ở 2 khu tập trung thoát khỏi sự kìm kẹp của Mỹ- Diệm. Bà con trở lại với nương rẫy tăng gia sản xuất, củng cố căn cứ, tiếp tục đấu tranh chống kẻ thù. Bước đầu làm lung lay chính sách dồn dân, lập ấp, âm mưu biến Bác Ái thành một vùng trắng của địch. Mặc dù với số quân ít ỏi, vũ khí thô sơ nhưng bằng sự dũng cảm, nhanh trí, sự phối hợp thống nhất giữa quân chủ lực và du kích địa phương quân ta đã đánh thắng cả một đại đội của địch được trang bị vũ khí tối tân. Điều này chứng tỏ rằng, dù kẻ thù có tàn bạo đến đâu, âm mưu xảo quyệt đến mức nào nhưng nhân dân ta với sự đoàn kết, quyết tâm kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Đảng thì nhất định thắng lợi.

Núi Tà Năng (Bác Ái). Ảnh: V.N

Chiến thắng ở đồn Tà Lú - Ma Ty đã được sử sách ghi nhận là điểm khởi đầu của phong trào đồng khởi ở khu vực Nam Trung Bộ, là một sự kiện lịch sử quan trọng, là điểm khởi đầu của phong trào đồng khởi trong khu vực, ghi dấu chiến tích hào hùng của quân và dân ta trong những ngày đầu kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sau đồng khởi ở Tà Lú - Ma Ty, các khu tập trung khác như: Tầm Ngân, Bà Râu, Đồng Dày, Ma Nới đã nổi dậy phá khu tập trung của địch để trở về với làng cũ sinh sống, đấu tranh trực diện với kẻ thù. Kể từ sau trận đồn Tà Lú - Ma Ty, chủ trương của Đảng là củng cố căn cứ cách mạng, chuẩn bị lực lượng tiến tới đấu tranh vũ trang.

Đồng chí Trần Văn Toàn, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bác Ái cho biết: Di tích đồn Tà Lú - Ma Ty thuộc di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh được UBND tỉnh công nhận tại Quyết định số 1170/1999/QĐ-UB ngày 16/4/1999. Hằng năm, các tổ chức Đoàn Thanh niên thường đến thăm Đài tưởng niệm Chiến thắng đồn Tà Lú - Ma Ty và tổ chức các buổi sinh hoạt truyền thống, vệ sinh môi trường khu vực đài tưởng niệm. Qua đó, giáo dục, bồi đắp lý tưởng cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước trong thế hệ trẻ tỉnh nhà.