Du xuân trên những cánh đồng công nghệ cao

Cuối năm dạo một vòng quanh những vùng sản xuất các loại cây đặc thù của tỉnh, không khí xuân đang len lỏi khắp những cánh đồng măng tây xanh, dưa lưới, vườn nho, táo,... mang theo kỳ vọng về một năm mới ấm no, hạnh phúc. Và trên những vườn cây, những cánh đồng tràn đầy sức xuân ấy, nông dân trong tỉnh đang vào mùa thu hoạch - một mùa vàng lại đến trong ngập tràn niềm vui.

Về xã Phước Tiến (Bác Ái), không khỏi ngỡ ngàng trước trang trại trồng dưa lưới xanh tươi, tô điểm cho “bức tranh” xuân thêm ấm áp. Nâng niu những quả dưa lưới căng tròn, ông Nguyễn Trọng Hạnh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Nam Miền Trung, thổ lộ: Tôi từng làm cho doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp, cách đây 4 năm trong một lần đi khảo sát vùng sản xuất nguyên liệu trái cây quy mô tập trung ở huyện Bác Ái, nhận thấy đất đai ở đây rộng lớn, nguồn nước tưới đầu tư bài bản, nguồn phân hữu cơ dồi dào, công nhân tại chỗ sẵn có, nên quyết định thành lập HTX trồng dưa lưới.

Mô hình sản xuất dưa lưới theo hướng nông nghiệp công nghệ cao
tại huyện Ninh Sơn. Ảnh: Hữu Phương

Sau hơn 4 năm “bén duyên” ở Bác Ái, giờ đây cây dưa lưới đã mở ra hướng làm giàu mới cho bà con vùng cao, sản phẩm dưa lưới đã có thương hiệu, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao của khách hàng, HTX xây dựng khu nông trại nhà kính 2 ha, liên kết với nông dân sản xuất dưa lưới trên quy mô lớn. Niềm vui lớn của HTX trước thềm năm mới là được sự quan tâm của ngành chức năng, địa phương tạo điều kiện thuận lợi mở rộng liên kết với nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị. Sản phẩm dưa lưới của HTX đã được cấp mã số vùng trồng đáp ứng các điều kiện xuất khẩu. Để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, HTX ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, trồng theo quy trình VietGAP và gắn tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Nhằm đáp ứng thị hiếu tiêu dùng trong dịp tết Nguyên đán 2023, HTX chọn quả đẹp đóng hộp với mẫu mã ưa nhìn, bán ra thị trường với giá phù hợp. Năm hết Tết đến nhiều gia đình chọn mua dưa của HTX về bài trí trên bàn thờ tổ tiên, vừa đãi khách.

Rời trang trại dưa lưới ở xã Phước Tiến, chúng tôi tới những vườn táo trĩu quả ở xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn). Ngày áp Tết, không khí ở nông thôn nhộn nhịp hơn thường. Nơi đây như một nông trường với những chiếc xe máy chở đầy táo nối đuôi vào ra. Trò chuyện với anh Nguyễn Văn Hiệp, nông dân trồng táo giỏi ở địa phương, được biết: Những năm trước, các hộ trồng táo gặp khó khăn do nạn ruồi vàng phá hoại làm giảm năng suất và chất lượng. Năm nay, nhờ có sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố, bà con triển khai mô hình trồng táo theo quy trình quản lý tổng hợp ruồi đục quả và một số bệnh hại. Qua thực hiện mô hình, các hộ trồng táo biết cách phủ bạt đất chống cỏ, kết hợp trồng các loại cây họ đậu trong vườn táo giúp cải tạo đất, giữ đất luôn tơi xốp, nên tăng khả năng đậu quả cho cây táo cao và hạn chế nứt quả khi thu hoạch. Kết quả cùng diện tích đất canh tác táo, mô hình áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp đạt doanh thu 800-900 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều so với sản xuất truyền thống, các hộ trồng táo nhờ đó đón Tết Quý Mão 2023 đầm ấm, vui tươi hơn.

Kết quả từ những nỗ lực của ngành chức năng, các địa phương trong khai thác tiềm năng lợi thế phát triển những loại cây trồng đặc thù đã hình thành nên các tour du lịch trải nghiệm nông thôn kết hợp tham quan các vườn cây ăn quả chính là sự khác biệt của nông nghiệp Ninh Thuận. Cứ mỗi độ xuân về, các vườn nho Ba Mọi, vườn nho Thái An... lại mở rộng cửa đón du khách đến chiêm ngưỡng thành quả đặc sắc của ngành Nông nghiệp. Dừng chân nghỉ dưỡng ở những điểm du lịch miệt vườn này để chụp hình, du khách còn được thưởng thức những đặc sản mang hương vị của vùng nắng gió. Là chủ nhân của một trong những khu vườn từng đón hàng trăm lượt khách, ông Ba Mọi luôn có ý thức chỉnh trang vườn nho, xây dựng sản phẩm độc đáo phục vụ khách tham quan.

 

Nông dân thôn Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải)
chăm sóc nho. Ảnh: Phan Bình

Để mỗi mùa xuân về người nông dân lại có những mùa vàng bội thu, trong năm 2022, tỉnh chỉ đạo tập trung nguồn lực, cơ chế chính sách và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại địa phương; đồng thời, trích kinh phí hơn 9,4 tỷ đồng để hỗ trợ các huyện, thành phố đầu tư thực hiện xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước cho cây trồng; chuyển đổi các loại cây trồng như nho, táo và một số cây trồng cạn; triển khai các dự án liên kết sản xuất cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm. Bước sang măm mới 2023, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất theo chuỗi, xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại; hỗ trợ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của các địa phương tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), tạo sự khởi đầu tốt đẹp, đưa các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh vươn ra thị trường trong và ngoài nước.

Đi giữa những “cánh đồng mùa xuân”, chúng tôi cảm nhận nông dân đang gặt hái được những thành quả từ những mô hình sản xuất mới. Có thu nhập cao, các gia đình ở vùng nông thôn có cái Tết sung túc hơn. Và kỳ vọng về những cánh đồng lớn, những vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã giúp nông dân đổi mới tư duy canh tác trên cánh đồng đã bao đời gắn bó. Một mùa xuân mới đang về, mỗi người nông dân trong tỉnh lại náo nức đón những mùa vàng bội thu đang đến.