Hoạt động của HĐND tỉnh ngày càng hiệu quả, chất lượng, gắn bó mật thiết với cử tri

Nhân dịp đầu xuân Quý Mão 2023, Báo Ninh Thuận có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh về những kết quả nổi bật đã đạt được, cũng như nhiệm vụ trọng tâm của HĐND tỉnh trong năm mới 2023.

* Phóng viên: Thưa đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, trong năm 2022, HĐND tỉnh đã có nhiều đổi mới, sáng tạo nâng cao chất lượng hoạt động, cũng như giúp mỗi đại biểu phát huy cao vai trò, trách nhiệm của của mình, đồng chí cho biết những đổi mới đó là gì? Kết quả đạt được ra sao?

- Đồng chí Phạm Văn Hậu: Năm 2022 là năm thứ hai hoạt động của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026, cũng là năm mà Thường trực HĐND tỉnh chú trọng chỉ đạo đổi mới, cải tiến một số hoạt động theo hướng phát huy vai trò, trách nhiệm, chủ động, tích cực tham gia các hoạt động của đại biểu HĐND, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh. Theo đó, đã đạt một số kết quả nhất định:

Thứ nhất, đó là phát huy vai trò, trách nhiệm của đại biểu HĐND tỉnh tại các kỳ họp HĐND. Kỳ họp là một trong những hoạt động chủ yếu của HĐND; một trong những nội dung thể hiện chất lượng hoạt động của HĐND. Do đó, Thường trực HĐND tỉnh chú trọng chỉ đạo chuẩn bị kỳ họp “từ sớm, từ xa”. Thường trực HĐND tỉnh chủ trì, tổ chức họp liên tịch với UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trước kỳ họp khoảng 45 ngày để chuẩn bị nội dung, chương trình kỳ họp chặt chẽ, chu đáo, đồng thời tạo sự chủ động đối với Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ngành, các ban HĐND và các đại biểu HĐND trong chuẩn bị nội dung liên quan; đặc biệt sự chủ động của đại biểu trong hoạt động tiếp xúc cử tri, chuẩn bị đặt vấn đề thảo luận, chất vấn, thu thập thông tin để tham gia quyết nghị các vấn đề quan trọng của địa phương. Năm 2022, HĐND tỉnh tổ chức 7 kỳ họp (2 kỳ họp thường lệ và 5 kỳ họp chuyên đề), đã thông qua 69 nghị quyết. Tại Kỳ họp thứ 10 (kỳ họp thường lệ cuối năm 2022) thông qua 42 nghị quyết, qua đó tạo cơ sở pháp lý để chính quyền địa phương các cấp triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh.

Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành kỳ họp thứ mười, nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Văn Nỷ

Thứ hai, chỉ đạo, điều hòa hoạt động của đại biểu theo hướng sâu sát cơ sở, tăng cường khảo sát thực tế để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân nhằm kịp thời phản ánh, đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cử tri. Qua các kỳ tiếp xúc cử tri, các tổ đại biểu đã trực tiếp khảo sát những vấn đề cử tri nêu để xem thực tế, tổng hợp, kiến nghị, chỉ đạo các cơ quan xem xét giải quyết có kết quả, kịp thời. Một số nội dung phản ánh của cử tri được quan tâm giải quyết thỏa đáng, kịp thời, được cử tri đồng tình, ủng hộ cao. Các tổ đại biểu, đại biểu HĐND đã tiếp xúc cử tri 4 đợt trước và sau các kỳ họp thường lệ HĐND tỉnh.

Thứ ba, Thường trực HĐND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/9/2022 hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND, tạo cơ sở pháp lý, điều kiện thuận lợi để phát huy hiệu quả giám sát. Qua đó, hướng dẫn Thường trực HĐND các huyện, thành phố kịp thời quán triệt triển khai, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khảo sát tại di tích đình Văn Sơn. Ảnh: K.Thùy

Thứ tư, nâng trách nhiệm của đại biểu trong thực hiện chức năng giám sát qua chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh. Qua đăng ký chất vấn của đại biểu, Thường trực HĐND tỉnh đã lựa chọn những nhóm vấn đề bức xúc trong nhân dân, lĩnh vực quản lý nhà nước còn nhiều khó khăn, bất cập, để đại biểu đặt vấn đề chất vấn tại kỳ họp HĐND. Chú trọng tính cơ sở pháp lý, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát thông qua việc HĐND tỉnh thông qua nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn. Tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2022, HĐND tỉnh đã chất vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với các nhóm vấn đề về: Hạ tầng, đất đai, môi trường tại cảng cá; phát triển nghề nuôi biển, nuôi khơi; chính sách bảo đảm để ngư dân vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chất vấn Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đối với các nhóm vấn đề về: Thứ hạng về chuyển đổi số của tỉnh; dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; kết nối cơ sở dữ liệu dân cư với các dịch vụ công; giao dịch không dùng tiền mặt...; ứng dụng nền tảng địa chỉ số hộ gia đình; thực hiện chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, ứng dụng điện tử thương mại.

Thứ năm, tổ chức giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh, bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng giám sát của Thường trực HĐND tỉnh. Đến nay, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức một phiên giải trình về công tác quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao; công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và phong trào văn hóa, thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh. Phiên giải trình được đại biểu HĐND tỉnh tích cực tham gia, đặt vấn đề xác đáng. Kết thúc phiên giải trình, Thường trực HĐND tỉnh ban hành kết luận, đây là hoạt động cần được phát huy, tăng cường thời gian tới để nâng chất lượng hoạt động giám sát của HĐND, đại biểu HĐND.

* Phóng viên: Đồng chí cho biết, HĐND tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp gì để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động trong năm 2023?

- Đồng chí Phạm Văn Hậu: Trên cơ sở những kết quả đạt được, cũng như qua đánh giá, phân tích những hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, trong năm 2023, Thường trực HĐND tỉnh đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động đó là: Thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng các kỳ họp của HĐND; khảo sát, thẩm tra nâng chất lượng ban hành các nghị quyết HĐND tỉnh. Tăng cường sự lãnh đạo các cấp ủy đảng về tiếp tục đổi mới, nâng chất lượng tổ chức các kỳ họp HĐND. Chú trọng làm tốt công tác chuẩn bị tổ chức kỳ họp, nhất là đối với các nội dung trình HĐND xem xét, quyết định; lãnh đạo tốt công tác cán bộ, lấy phiếu tín nhiệm... Phát huy tinh thần dân chủ, trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo của đại biểu HĐND các cấp trong quá trình tổ chức các kỳ họp. Nâng cao chất lượng xây dựng nghị quyết của HĐND, bảo đảm sát đúng, có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương của cấp ủy đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.

Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp thứ mười nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra từ ngày 7 đến 9/12/2022. Ảnh: Văn Nỷ

Đổi mới sáng tạo nâng chất lượng giám sát chuyên đề; kịp thời khảo sát, giám sát thường xuyên để phối hợp đôn đốc triển khai kịp thời các lĩnh vực KT-XH, góp phần thực hiện các nghị quyết HĐND chất lượng, khả thi, đi vào cuộc sống. Đổi mới tổ chức giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND, các ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND từ các khâu lựa chọn chuyên đề giám sát, hình thức tổ chức giám sát, theo dõi, đôn đốc việc thức hiện các kiến nghị sau giám sát, nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát.

Nâng chất lượng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp. Đổi mới, nâng chất lượng công tác chất vấn và trả lời chất vấn, hoạt động thảo luận, giải trình tại các kỳ họp của HĐND và các phiên họp của Thường trực HĐND theo hướng tập trung đi vào chiều sâu, giải quyết những vấn đề trọng tâm, bức xúc, nhiều cử tri quan tâm. Hoạt động chất vấn phải đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, có tính tranh luận, đối thoại với tinh thần thẳng thắn, xây dựng; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện những cam kết của các tổ chức, cá nhân về trách nhiệm đã hứa trước HĐND và cử tri.

Tăng cường và nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri, tiếp công dân của đại biểu HĐND; đẩy mạnh hoạt động tiếp xúc cử tri chuyên đề. Lãnh đạo việc nâng cao nhận thức trách nhiệm của đại biểu HĐND trong việc tăng cường sâu sát cơ sở; chỉ đạo tiếp tục đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri, tiếp công dân theo hướng sâu sát, thiết thực, hiệu quả; quan tâm tiếp xúc cử tri theo chuyên đề. Chú trọng mở rộng các đối tượng cử tri được mời tham dự các hội nghị tiếp xúc cử tri nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các nghị quyết của HĐND; đồng thời, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để kiến nghị giải quyết những nguyện vọng chính đáng của cử tri và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Quan tâm thực hiện tốt công tác giải quyết đơn thư của công dân theo luật định. Khảo sát, tổng hợp những kiến nghị của cử tri, công dân để đẩy mạnh công tác tiếp xúc cử tri chuyên đề, góp phần giải quyết có hiệu quả các nội dung vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm.

Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của HĐND các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của HĐND theo hướng coi trọng tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu.

Đổi mới, nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND, các ban, Tổ đại biểu HĐND. Nâng cao trình độ năng lực và tinh thần trách nhiệm của đại biểu HĐND các cấp nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đổi mới phương thức làm việc, tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, phù hợp, kịp thời, nhất là phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa Thường trực HĐND tỉnh với UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, quy chế hóa các hoạt động của HĐND.

* Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!