Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong năm 2022, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục tuyên truyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ “học tập” sang “làm theo” Bác bằng những mô hình, cách làm hiệu quả, phù hợp điều kiện thực tế, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia hưởng ứng. Điển hình như Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã vận động 5 đoàn thể chính trị - xã hội, 6 tổ chức tôn giáo và Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh ký cam kết nhận đỡ đầu, giúp 70 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh thoát nghèo bền vững; huyện Ninh Phước duy trì vận động các cơ quan, đơn vị nhận đỡ đầu, giúp đỡ 363 hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Nhiều mô hình mới như: “Camera an ninh”, “Trường học an toàn về an ninh trật tự, trật tự, an toàn giao thông và phòng cháy, chữa cháy”, “Vùng ngư dân tự quản về an ninh trật tự” xã An Hải, phong trào “Ngày thứ Bảy xanh” tại huyện Ninh Hải, mô hình Tổ thu gom rác thải tại các thôn trên địa bàn huyện Thuận Bắc... góp phần bảo vệ môi trường, mang lại sự bình yên cho nhân dân, được cấp ủy, chính quyền các cấp công nhận, đánh giá cao.
Quảng Trường 16 Tháng 4 (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm).
Đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, bên cạnh những mô hình, hoạt động quen thuộc như: “Hũ gạo tình thương”, “Tiết kiệm mùa xuân”, “Nuôi heo đất”, giúp đỡ hội viên, phụ nữ, gia đình chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn...; từ năm 2021 đến nay, các cấp hội phát động, duy trì triển khai có hiệu quả chương trình “Mẹ đỡ đầu” nhận chăm sóc, hỗ trợ nuôi dưỡng 87 trẻ em, trong đó có 31 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ do dịch COVID-19. Qua thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu”, trong năm 2022, các cấp hội trích quỹ hội và vận động nhà hảo tâm hỗ trợ các em số tiền trên 300 triệu đồng. Việc phát động, triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu” không chỉ là sự quan tâm, động viên, giúp đỡ về mặt vật chất, mà còn là sự đóng góp của phụ nữ trong việc từng bước xóa đi “vết hằn” tâm lý, xoa dịu nỗi đau, sự mất mát do dịch COVID-19 gây ra cho trẻ em; góp phần cùng các mô hình, hoạt động khác của Hội nhân lên lòng nhân ái, đưa việc học tập và làm theo Bác đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa sâu rộng.
Đối với các sở, ngành, chính quyền địa phương, việc học tập và làm theo Bác được đẩy mạnh thông qua việc tập trung làm tốt các mô hình, hoạt động thiết thực, có lợi cho dân. Nổi bật là tập trung rà soát, chỉ đạo triển khai các giải pháp đột phá về công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển KT-XH. Hiện nay, tất cả các thủ tục có liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp được áp dụng dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 3 và 4 đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đối với Cổng DVC trực tuyến của tỉnh, đến đầu tháng 11/2022, đã đồng bộ trạng thái 1.290/1.330 thủ tục đạt 96,99%, tích hợp lên Cổng DVC quốc gia 1.282/1.330 thủ tục đạt 96,39%. Từ ngày 1/1 đến 3/11/2022, Cổng DVC tỉnh tiếp nhận 172.142 hồ sơ, trong đó có 45.528 hồ sơ trực tuyến, đạt 26,45%. Việc triển khai các DVC trực tuyến, nhất là các thủ tục trực tuyến mức độ 3 và 4 đã tạo thuận lợi, tiết kiệm và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp nên rất thiết thực.
Học tập và làm theo Bác ở tấm lòng nhân ái, trong năm 2022, phong trào thi đua “Vì người nghèo -
Không để ai bị bỏ lại phía sau” gắn với công tác an sinh xã hội, chăm lo người nghèo, gia đình chính sách, người dân có hoàn cảnh khó khăn được các cấp Mặt trận phối hợp với chính quyền, đoàn thể đẩy mạnh, thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân, nhà hảo tâm, doanh nghiệp tham gia ủng hộ trao tặng hàng ngàn suất quà, học bổng, tư liệu sản xuất và ủng hộ xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh được trên 15 tỷ đồng, hỗ trợ xây tặng 197 nhà Đại đoàn kết với tổng trị giá trên 9,9 tỷ đồng và hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo và hộ nghèo đa chiều không thiếu hụt bảo hiểm y tế với tổng số tiền trên 2,1 tỷ đồng. Đối với phong trào “Hiến máu tình nguyện” giai đoạn 2017-2022 đã thu hút 36.676 lượt người tham gia hiến được 29.603 đơn vị máu (trong đó, có 27.405 đơn vị máu 250 ml và 2.198 đơn vị máu 350 ml), góp phần bổ sung nguồn máu dự trữ để kịp thời cứu chữa người bệnh vượt qua “cửa tử”.
Những việc làm cụ thể, thiết thực từ các cơ quan, đơn vị, địa phương và kết quả đạt được thời gian qua đã góp phần đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh lan tỏa, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, giữ vững quốc phòng, an ninh, xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày thêm khởi sắc n