Nhiệm kỳ 2016-2020, bên cạnh những quyết sách kịp thời, hợp lòng dân, HĐND tỉnh khóa X có dấu ấn đột phá khi thí điểm và duy trì triển khai mô hình “Kỳ họp không giấy”, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Qua đó, đem lại hiệu quả tích cực, đáp ứng yêu cầu và lộ trình xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số và hiện đại hóa nền hành chính nhà nước. Từ hiệu quả mô hình mang lại, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, HĐND tỉnh khóa XI tiếp tục nhân rộng mô hình “Kỳ họp không giấy” sang tất cả các phiên họp, phiên giải trình, hội nghị của HĐND tỉnh. Theo đó, khi tham dự các kỳ họp, phiên họp, phiên giải trình và hội nghị, đại biểu chỉ cần mang máy tính bảng được HĐND tỉnh cấp đã cài đặt tài khoản App riêng để truy cập, nghiên cứu tài liệu. Giấy mời, tài liệu được gửi trước cho đơn vị, đại biểu qua môi trường mạng đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm chi phí, tạo thuận lợi để đại biểu chủ động thời gian nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến phát biểu, giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn... Ngoài tích hợp trên App, tài liệu phục vụ các kỳ họp còn được đăng tải công khai trên website của HĐND tỉnh để cử tri, người dân tiện theo dõi, nghiên cứu.
Chi cục Hải quan Ninh Thuận ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong hoạt động của đơn vị. Ảnh: Văn Nỷ
Theo đồng chí Trương Minh Vũ, Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, việc thực hiện mô hình “Kỳ họp không giấy” và hình thức “họp không giấy” mang lại hiệu quả thiết thực, tiết kiệm chi phí in ấn, thời gian và cả sức lao động. Khi thực hiện mô hình, tài liệu được tích hợp trên phần mềm phục vụ kỳ họp nên tiện lợi và gọn nhẹ hơn rất nhiều. Cán bộ, công chức của Văn phòng cũng tiết kiệm được thời gian in ấn, chuyển tài liệu đến đại biểu, tránh được những sai sót trong việc sắp xếp, in ấn tài liệu (nhầm lẫn văn bản, thiếu trang, nhầm trang), từ đó dành được nhiều thời gian để làm tốt hơn nhiệm vụ tham mưu, tổng hợp, đảm bảo hậu cần, phục vụ kịp thời sự chỉ đạo, điều hành của HĐND tỉnh.
Đẩy mạnh triển khai Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, từ ngày 1/6/2022, Đội Quản lý xuất nhập cảnh, Phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh bắt đầu triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chip điện tử ở trong nước thông qua Cổng dịch vụ công (DVC) quốc gia hoặc Cổng DVC Bộ Công an. Theo Thượng úy Phạm Lê Quốc Trung, cán bộ Đội Quản lý xuất nhập cảnh, với việc triển khai DVC này, công dân có nhu cầu làm hộ chiếu phổ thông không gắn chip điện tử có thể đăng ký tài khoản, thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến tại nhà hoặc bất cứ nơi nào có thiết bị điện tử và mạng internet mà không cần có mặt trực tiếp tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Kết quả có thể đăng ký nhận tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc chuyển phát đến tận nhà nếu đăng ký nhận qua đường bưu điện. Việc đăng ký tài khoản và nộp hồ sơ trực tuyến không chỉ giúp công dân tiết kiệm được thời gian đi lại, chờ đợi mà còn tạo thuận lợi cho cả cán bộ trong việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, đến đầu tháng 11/2022, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc không giấy tờ đến Tỉnh ủy, tất cả cả sở, ban, ngành và UBND các huyện thành phố. UBND tỉnh đã thực hiện 178 cuộc họp, Tỉnh ủy thực hiện 5 cuộc họp qua hệ thống và triển khai hệ thống cho HĐND các huyện, thành phố. Toàn tỉnh có 100% sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, xã đã triển khai phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc (TD.Office) được tích hợp chứng thư số, gắn mã định danh, bổ sung chức năng quản lý tài liệu và lưu trữ điện tử. Tỷ lệ văn bản đi, đến được chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng so với tổng số văn bản đi, đến giữa các cơ quan, đơn vị trong nội bộ tỉnh đạt tỷ lệ từ 95-100% (trừ văn bản mật). Đã xây dựng, triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) phục vụ việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan, đơn vị đang hoạt động trên địa bàn tỉnh và xây dựng trục liên thông nội tỉnh (LGSP) kết nối, liên thông với trục liên thông văn bản quốc gia (NGSP) phục vụ việc gửi/nhận văn bản điện tử, đáp ứng yêu cầu liên thông văn bản 4 cấp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành. Đối với, Cổng DVC của tỉnh, đã đồng bộ trạng thái 1.290/1.330 thủ tục đạt 96,99%, tích hợp lên Cổng DVC quốc gia 1.282/1.330 thủ tục đạt 96,39%. Từ ngày 1/1/2022 đến ngày 3/11/2022, trên Cổng DVC tỉnh tiếp nhận 172.142 hồ sơ, trong đó có 45.528 hồ sơ trực tuyến, đạt 26,45%. Anh Nguyễn Công Phú, người dân phường Phước Mỹ (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), chia sẻ: Ngoài việc nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu trực tuyến, tôi còn đóng bảo hiểm xã hội điện tử và sử dụng một số DVC trực tuyến khác. DVC trực tuyến giúp người dân tiết kiệm thời gian di chuyển, chờ đợi nên rất thiết thực. Mong rằng, thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tích hợp, hoàn thiện hệ thống đảm bảo thông suốt, hiệu quả, thân thiện hơn với người dùng; đồng thời, triển khai thêm nhiều DVC trực tuyến mức độ 4, tạo thuận tiện cho người dân trong thực hiện thủ tục hành chính.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong giai đoạn hiện nay là hướng đi tất yếu, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hệ thống chính trị các cấp, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đây cũng là việc học tập và làm theo Bác Hồ ở tinh thần tiết kiệm thiết thực và phù hợp thời 4.0. Tiết kiệm cùng với đổi mới và thực hiện hiệu quả những quyết sách kịp thời, hợp lòng dân sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương, đất nước văn minh, tiến bộ.
Lâm Anh