Học tập và làm theo Bác ở tinh thần tiết kiệm

Bài 1: Những mô hình, việc làm thiết thực, hiệu quả

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề thực hành tiết kiệm. Bác nhắc nhở mọi người phải “tiết kiệm thì giờ”, “tiết kiệm sức lao động” và “tiết kiệm tiền của”. Khắc ghi lời Bác dạy và vận dụng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn địa phương, thời gian qua, các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, nhân dân tỉnh ta đã triển khai, nhân rộng nhiều mô hình, việc làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương.

Thực hành tiết kiệm, chăm lo giúp đỡ người nghèo là nét đẹp truyền thống của nhân dân tỉnh ta nói riêng, cả nước nói chung. Trong nhiều năm qua, đồng hành, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, nhiều mô hình thực hành tiết kiệm được các đơn vị, đoàn thể, nhân dân phát động, duy trì triển khai mang lại hiệu quả thiết thực.

Tiết kiệm vì người nghèo

Nằm trên tuyến đường 21 Tháng 8, thuộc phường Bảo An (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), những năm học qua, Trường Tiểu học Bảo An 2 là đơn vị triển khai có hiệu quả mô hình “Nuôi heo đất giúp bạn nghèo”. Qua triển khai mô hình, năm học 2021-2022, toàn trường tiết kiệm được số tiền trên 22,3 triệu đồng, tạo nguồn kinh phí trao tặng học bổng, quà tặng, hỗ trợ học sinh (HS) có hoàn cảnh khó khăn. Trước đó, trong năm học 2020-2021, HS nhà trường cũng nuôi heo đất được trên 22,4 triệu đồng. Cô giáo Trần Thị Mát, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Mô hình “Nuôi heo đất giúp bạn nghèo” được nhà trường phát động, duy trì triển khai từ nhiều năm học qua, thu hút đông đảo các thế hệ học trò tham gia hưởng ứng. Mỗi lớp sẽ nhận nuôi một chú heo đất; hằng ngày, HS nào có điều kiện thì sẽ tiết kiệm tiền cho heo “ăn”. Việc nuôi heo đất hoàn toàn tự nguyện và tùy theo khả năng của mỗi HS. Vào dịp tết Nguyên đán và cuối năm học, các lớp tổ chức lễ đập heo đất rất vui vẻ và ý nghĩa. Từ những tờ tiền mệnh giá 1.000, 2.000 đồng các em tiết kiệm từ tiền bán giấy vụn, vỏ lon hoặc tiền ăn sáng, tiền ông bà, cha mẹ cho để mua đồ chơi... đến ngày đập heo, HS toàn trường tiết kiệm được khoảng 20 triệu đồng/năm học để giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Tuy số tiền chưa nhiều nhưng ý nghĩa mang lại rất thiết thực. Việc nuôi heo đất không chỉ giúp HS sớm hình thành ý thức tiết kiệm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, mà còn hiểu được truyền thống “tương thân, tương ái” tốt đẹp của dân tộc, từ đó đoàn kết, thêm yêu thương, biết sẻ chia, giúp đỡ bạn bè, nhất là những bạn có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, học tập.

Trường Tiểu học Bảo An 2 phát động, duy trì triển khai mô hình “Nuôi heo đất giúp bạn nghèo”
thu hút đông đảo các thế hệ học trò tham gia hưởng ứng. Ảnh: Phạm Lâm

Với mục tiêu giúp đỡ hội viên (HV), phụ nữ (PN) nghèo vươn lên trong cuộc sống, 10 năm qua, Ban công tác nữ Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) huyện Ninh Phước đẩy mạnh học tập và làm theo Bác ở tinh thần tiết kiệm thông qua việc triển khai các mô hình “Nuôi heo đất”, “Hũ gạo tình thương”. Với phương châm “Mỗi ngày đi chợ trích 1.000 đồng để nuôi heo đất, mỗi bữa ăn bớt 1 nắm gạo bỏ hũ tiết kiệm giúp đỡ HV nghèo”, qua 10 năm triển khai, 25 nữ HV đã tiết kiệm được 70 triệu đồng và 2.384 kg gạo, tạo nguồn kinh phí thăm hỏi, giúp đỡ, tặng quà HV gặp khó khăn. Nổi bật trong phong trào “Nuôi heo đất” là chị Nguyễn Thị Ánh mỗi năm tiết kiệm bình quân được gần 2,4 triệu đồng và chị Đỗ Thị Liên bình quân mỗi năm tiết kiệm được 800.000 đồng. Mô hình “Nuôi heo đất” và “Hũ gạo tình thương” được Ban công tác nữ Hội Cựu TNXP huyện Ninh Phước duy trì triển khai nhiều năm qua không chỉ góp phần lan tỏa tinh thần tiết kiệm theo tấm gương Bác Hồ, mà còn thắt chặt tinh thần đoàn kết, nghĩa tình đồng đội của cựu TNXP trong cuộc sống thời bình.

Tiết kiệm vì người nghèo, cán bộ, HV Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) từ tỉnh đến cơ sở cũng phát động, duy trì triển khai có hiệu quả mô hình “Hũ gạo tình thương”. Chỉ tính riêng năm 2022, thông qua mô hình, toàn Hội đã vận động, tiết kiệm được trên 27.600 kg gạo, giúp hàng ngàn lượt người nghèo, HV, PN, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Các mô hình thực hành tiết kiệm vì người nghèo được triển khai, nhân rộng những năm qua không chỉ góp phần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở tinh thần tiết kiệm, mà còn lan tỏa thông điệp về tình yêu thương, phát huy truyền thống “tương thân, tương ái”, xây dựng xã hội văn minh, khởi sắc.

Tín dụng tiết kiệm - mô hình nhỏ, lợi ích lớn

Tiết kiệm tiền bạc để xây dựng nguồn vốn nội lực, ưu tiên người có hoàn cảnh khó khăn vay trước để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ổn định đời sống gia đình là việc làm thiết thực được nhiều tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh ta triển khai, nhân rộng nhiều năm qua. Đây cũng là việc học tập và làm theo Bác ở tinh thần tiết kiệm, mang lại hiệu quả thiết thực, được người dân, nhất là những nhóm đối tượng có thu nhập thấp chung tay hưởng ứng.

Lãnh đạo Hội LHPN phường Đô Vinh trao đổi với cán bộ khu phố 2 về tình hình triển khai phong trào, hoạt động phụ nữ tại địa phương.

Học tập và làm theo Bác ở tinh thần tiết kiệm, giúp nhau phát triển kinh tế, năm 2012, Hội LHPN phường Phủ Hà (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) thành lập mô hình Câu lạc bộ (CLB) “Nuôi heo đất tiết kiệm”. Từ hiệu quả mô hình mang lại, đầu năm 2018, Hội LHPN phường Phủ Hà thành lập thêm CLB “Nuôi heo đất tiết kiệm” tại Chi hội PN khu phố 6. Qua thực hành tiết kiệm, trong năm 2022, 67 thành viên của 2 CLB đã tiết kiệm được gần 130 triệu đồng, giúp 22 thành viên vay buôn bán nhỏ phát triển kinh tế gia đình. Cùng với CLB “Nuôi heo đất tiết kiệm”, huy động nguồn vốn nội lực giúp đỡ HV, PN phát triển kinh tế, giảm nghèo và làm giàu, Hội LHPN phường Phủ Hà còn duy trì các tổ: “Tiết kiệm mùa xuân”, “Góp vốn xoay vòng”, “Trang trí nội thất”, “Tiết kiệm 5.000 đồng”, “Tiết kiệm Ngân hàng Chính sách xã hội”... thu hút hàng trăm thành viên tham gia tiết kiệm, tạo nguồn vốn nội lực giúp chị em khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, buôn bán nhỏ phát triển kinh tế gia đình. Những mô hình, hoạt động nói trên không chỉ giúp HV, PN thực hành lối sống tiết kiệm cho bản thân, gia đình, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, mà còn góp phần cùng địa phương giúp 2 hộ thoát nghèo và 5 hộ thoát cận nghèo trong năm 2022.

Đối với Hội LHPN phường Đô Vinh (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), việc học tập và làm theo Bác ở tinh thần tiết kiệm, tạo nguồn vốn nội lực giúp HV, PN có hoàn cảnh khó khăn vay phát triển kinh tế cũng được triển khai hiệu quả. Đến nay, toàn Hội thành lập được 33 tổ “Tiết kiệm mùa xuân” và “Góp vốn xoay vòng” thu hút 484 chị tham gia tiết kiệm trong năm 2022 được trên 430 triệu đồng, giúp 170 lượt chị vay phát triển kinh tế. Ngoài ra, để hỗ trợ HV, PN phát triển kinh tế, các cấp hội còn huy động nguồn vốn nội lực từ HV được 310 triệu đồng, tạo điều kiện cho 51 chị vay với lãi suất ưu đãi; thành lập Quỹ Khởi nghiệp tại địa bàn chi hội, qua đó hỗ trợ 9 chị vay (chủ yếu không tính lãi) số tiền 25 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hóa, Chủ tịch Hội LHPN phường Đô Vinh, chia sẻ: Việc huy động, thành lập các mô hình tín dụng tiết kiệm (TDTK) được Hội triển khai bài bản, có quy chế quản lý và sử dụng rõ ràng. Qua nhiều năm triển khai, mô hình đã cho thấy hiệu quả thiết thực, được HV, PN hưởng ứng nhiệt tình. Các mô hình tiết kiệm không chỉ giúp chị em được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện đời sống; mà còn củng cố, tô thắm truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái”; hình thành thói quen tiết kiệm theo tấm gương Bác Hồ và đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen” trong cộng đồng, xã hội.

Các mô hình TDTK được các cấp hội LHPN triển khai, nhân rộng trên địa bàn tỉnh đã mang lại kết quả tích cực. Mặc dù số tiền mỗi chị đóng góp không nhiều, nhưng với sự tham gia đông đảo của chị em, nguồn vốn nội lực huy động từ các tổ TDTK: “Góp vốn xoay vòng”, “Tiết kiệm mùa xuân”, “Tiết kiệm 5.000 đồng”, “Nuôi heo đất tiết kiệm”... trên địa bàn tỉnh đã góp phần không nhỏ giúp HV, PN có thêm nguồn vốn phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình. Chỉ tính riêng năm 2022, thông qua các mô hình tiết kiệm nói trên, HV, PN toàn tỉnh đã huy động được số tiền trên 37,3 tỷ đồng, giúp 4.240 lượt chị vay để đầu tư phát triển kinh tế. Các cấp Hội LHPN từ tỉnh đến cơ sở cũng duy trì Quỹ “Hỗ trợ PN khởi nghiệp” trao vốn cho 250 HV, PN vay tổng số tiền 755 triệu đồng để giải quyết khó khăn và khởi sự kinh doanh.

Hỗ trợ HV phát triển kinh tế, giảm nghèo và làm giàu thông qua các mô hình TDTK, trong 5 năm qua, cùng với việc tín chấp giúp hơn 10.000 lượt HV được vay vốn ưu đãi, với tổng số tiền 741 tỷ đồng để phát triển kinh tế gia đình, các cấp Hội Cựu chiến binh trên địa bàn tỉnh vận động HV góp vốn xây dựng quỹ nội bộ giúp nhau trong sản xuất, kinh doanh đạt gần 2,7 tỷ đồng, vốn xoay vòng trên 7,8 tỷ đồng, giúp 2.635 lượt HV vay không lãi hoặc lãi suất thấp để giải quyết khó khăn và phát triển kinh tế gia đình. Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh duy trì mô hình CLB “Một triệu đồng/người” (thành lập năm 2017) với 141 thành viên tham gia tiết kiệm được 141 triệu đồng, tạo nguồn vốn nội lực giúp HV mượn xoay vòng để đầu tư sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

TDTK - mô hình nhỏ song mang lại lợi ích thiết thực và phù hợp với người nghèo. Việc phát động, duy trì và nhân rộng các mô hình TDTK đã góp phần phát huy nguồn vốn nội lực, giúp HV, người dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Không chỉ ở giá trị nhân văn, việc nhân rộng và triển khai hiệu quả các mô hình còn đưa việc học tập và làm theo Bác ở tinh thần tiết kiệm đi vào thực chất, thường xuyên và hiệu quả. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát huy truyền thống “tương thân, tương ái” và đẩy lùi “tín dụng đen”.

..............

Mời xem tiếp kỳ sau Bài 2: Tiết kiệm sức lao động, chi phí sản xuất