Học tập và làm theo Bác ở tinh thần tiết kiệm

Bài 2: Tiết kiệm sức lao động, chi phí sản xuất nông nghiệp

Với người nông dân, tiết kiệm sức lao động, giảm chi phí sản xuất và nâng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Để thực hiện được mục tiêu này, những năm qua, được sự hỗ trợ từ ngành Nông nghiệp, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp và thực tiễn sản xuất của bản thân, nông dân tỉnh ta đã triển khai nhiều mô hình và sáng chế máy móc áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả tích cực.

Gắn bó với nghề trồng nho từ năm 1985 và từ những năm 1998, 1999 là với cây nho giống, ông Nguyễn Thường Lang, ở phường Mỹ Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) luôn đề cao tinh thần học hỏi, sáng tạo nhằm giảm chi phí sản xuất, sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, từng bước xây dựng, khẳng định thương hiệu Nho giống Sáu Lang. Từ thực tiễn sản xuất, niềm đam mê sáng tạo khoa học - kỹ thuật và yêu cầu mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu khách hàng, năm 2017, ông Nguyễn Thường Lang đã nghiên cứu, sáng tạo thành công một thiết bị xén và định hình mối ghép cây trồng viết tắt là SSE, bao gồm 4 phần chính: Thân - đế, cần lực, cơ cấu truyền lực và cơ cấu vận hành bằng tay hoặc chân. Với thiết bị này, trung bình một người có thể cắt xén và định hình được 3.000 mối ghép cây nho giống/ngày, hiệu quả gấp nhiều lần so với cách cắt mối ghép bằng tay. Chia sẻ về thiết bị này, ông Nguyễn Thường Lang, cho biết: Chi phí để sản xuất thiết bị SSE dao động từ 3-4 triệu đồng, nhưng hiệu quả mang lại rất lớn. Không chỉ tiết kiệm 5-6 công lao động mà tỷ lệ sống của cây trồng cũng tăng lên trên 95% nhờ các mối ghép được cắt xén chính xác. Quan trọng hơn, khi cắt mối ghép bằng tay, người làm phải thạo nghề, còn với thiết bị này ai cũng có thể làm được. Từ hiệu quả thiết bị mang lại, đến nay, tôi đã sản xuất khoảng 20 chiếc để sử dụng và tặng cho bạn hàng trong nước và ở các nước Lào và Campuchia để họ sử dụng nhằm tiết kiệm sức lao động, tăng năng suất và tỷ lệ sống cho cây trồng.

Nông dân huyện Ninh Phước đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp để tiết kiệm sức lao động, chi phí sản xuất. Ảnh: TM

Thực tế từ nhiều năm qua, việc tiết kiệm sức lao động, giảm chi phí sản xuất trong nông nghiệp đã được người nông dân tỉnh ta quan tâm, chú trọng. Khởi phát từ những năm 2009, 2010, đến năm 2011 thông qua Dự án “Xây dựng mô hình tưới nước tiết kiệm cho dân nghèo Nam Trung Bộ tại Ninh Thuận” do Tổ chức iDE tại Việt Nam và Hội Nông dân tỉnh phối hợp thực hiện tại 5 xã của huyện Ninh Phước đã giúp nông dân tỉnh ta nhân rộng mô hình “Tưới nước tiết kiệm” theo hướng bài bản, giúp bà con tiết kiệm đáng kể nguồn nước tưới, công làm đất, bón phân, tăng năng suất cây trồng; đồng thời, mở rộng diện tích sản xuất trên các vùng đất cát bạc màu, cải thiện đất, bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế cát bay và quá trình sa mạc hóa trên vùng đất khô hạn Ninh Thuận. Từ lợi ích mô hình mang lại, cộng thêm sự tuyên truyền, vận động, hướng dẫn của các cấp chính quyền, Hội Nông dân, đến nay mô hình đã được nhân rộng trên toàn tỉnh với hàng ngàn hộ dân tham gia, mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình phải kể đến các thôn Nam Cương, Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước), nơi được mệnh danh là “vùng cát bay”, nhờ triển khai mô hình “Tưới nước tiết kiệm” đã được phủ xanh bởi các loại hoa màu như đậu phộng, măng tây xanh, rau ăn lá. Hiện nay, chỉ tính riêng xã An Hải (Ninh Phước), mô hình “Tưới nước tiết kiệm” đã được nhân rộng lên 260 ha với 480 hộ dân tham gia; trong đó, cánh đồng lớn 60 ha măng tây xanh của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tuấn Tú được lắp đặt mô hình “Tưới nước tiết kiệm”, bình quân mỗi hộ thành viên trong hợp tác xã có thu nhập ổn định từ 200-300 triệu đồng/năm.

Tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất cây trồng và mang lại lợi nhuận cao hơn trong sản xuất nông nghiệp, mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa và gần đây là mô hình “1 phải, 5 giảm” gắn với xây dựng, nhân rộng cánh đồng lúa lớn cũng được nông dân tỉnh ta đồng thuận triển khai nhân rộng mang lại hiệu quả thiết thực. Với các nội dung: “1 phải” là phải sử dụng giống xác nhận, “5 giảm” gồm giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước và giảm thất thoát sau thu hoạch (bằng máy) mô hình đã khẳng định ưu thế vượt trội so với phương pháp canh tác truyền thống. Từ diện tích 10 ha với 32 hộ ở xã Phước Hậu (Ninh Phước) triển khai thí điểm trong vụ đông - xuân năm 2010-2011, đến nay mô hình đã được nhân rộng lên 12.524 ha, chiếm 28,2% tổng diện tích lúa toàn tỉnh. Mô hình “1 phải, 5 giảm” gắn với sản xuất cánh đồng lúa lớn triển khai thí điểm từ vụ hè - thu năm 2017 tại vùng đồng bào Chăm thôn Hiếu Lễ, xã Phước Hậu với diện tích 56 ha/103 hộ tham gia trồng giống lúa TH41 theo quy trình kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, thay đổi tập quán gieo sạ dày từ 30-35 kg lúa giống/sào xuống còn 15-20 kg lúa giống/sào, cho năng suất 8 tạ lúa tươi/sào/vụ, tăng 1,5 tạ so với vụ hè - thu năm trước và tăng 1 tạ so với ruộng canh tác đại trà. Từ thành công qua các mùa vụ, đến nay, toàn tỉnh đã nhân rộng, hình thành 31 cánh đồng lớn với quy mô 4.242,75 ha. Trong đó, có 25 cánh đồng lúa, 2 cánh đồng măng tây xanh, 1 cánh đồng nho, 1 cánh đồng hành tím và 2 cánh đồng bắp giống. Không chỉ tiết kiệm chi phí sản xuất, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu và nâng cao hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích, việc triển khai mô hình cánh đồng lớn liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi giá trị còn giúp nông dân ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập. Đơn cử như năm 2020, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phước Chính (Bác Ái) liên kết với 30 hộ trên địa bàn triển khai mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích khoảng 20 ha, giúp bà con tăng năng suất gần 30% so với phương pháp sản suất truyền thống trước đây. Qua 2 năm triển khai, đến nay, mô hình không chỉ nâng cao năng suất lao động, mà còn giúp đồng bào Raglai thay đổi, từ bỏ tập quán canh tác lạc hậu, biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Số hộ tham gia mô hình cũng tăng lên gần 70 hộ, mỗi vụ sản xuất gần 40 ha với giống lúa chủ lực là Đài Thơm 8, sản lượng gạo cung ứng ra thị trường trên 50 tấn/vụ, giúp người dân nâng cao thu nhập.

Tiết kiệm sức lao động, chi phí sản xuất là mong muốn, cũng là hướng đi tất yếu để chuyển sang một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Đây cũng là việc học tập và làm theo Bác ở tinh thần tiết kiệm, thiết thực và hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ngày thêm khởi sắc n

-------------

MỜI XEM TIẾP KỲ SAU
(Bài cuối: Tiết kiệm thời 4.0)