Vợ chồng ông Patau Asah Dúi và bà Chamaléa Thị Danh ở thôn Rã Giữa, xã Phước Trung gặp lập gia đình với tài sản chỉ có 1 con bò của cha mẹ cho để làm vốn. Không có đất ở, vợ chồng ông lên rẫy dựng chòi để ở và trồng bắp, đậu. Khi 4 đứa con ra đời, kinh tế không ổn định, cái nghèo cứ đeo bám gia đình. Năm 2009, gia đình quyết định về làng ở để con cái được đi học và tìm cách phát triển kinh tế gia đình và được Nhà nước cấp 5 sào đất, ông đầu tư trồng lúa đảm bảo lương thực và có thêm thu nhập. Năm 2013, vợ chồng ông được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho vay 23 triệu đồng để mua 2 con bò giống về nuôi. Nhờ chăm sóc tốt nên đàn bò phát triển nhanh, đến nay tăng lên 9 con, ông quyết định bán 2 con để mua 5 con dê giống về nuôi. Đến nay gia đình tôi đã thoát nghèo.
Nhờ đổi mới tư duy, làm kinh tể giỏi, cuộc sống gia đình bà Pinăng Thị Nghím ở thôn Suối Rua, xã Phước Tiến ngày càng khấm khá.
Vui mừng bên ngôi nhà mới chuẩn bị hoàn thiện, ông Pur Pur Lang ở thôn Tham Dú, xã Phước Trung, cho biết: Trước đây, nhiều hộ trong thôn vẫn có cách nghĩ “đến đâu hay đó”, khi có tiền thì sử dụng không hợp lý. Không để cái nghèo đeo bám mãi, nên tôi quyết định vay Ngân hàng Chính sách xã hội số tiền 20 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình. Từ số tiền đó, năm 2012, tôi mua 2 con bò về nuôi, đến nay đã phát triển lên 8 con.
Bình đẳng trong cuộc sống để phát triển kinh tế là cách mà vợ chồng ông Pi Năng Manh ở thôn Suối Rua, xã Phước Tiến cùng hướng đến để chăm lo cho cuộc sống gia đình. Tận dụng mặt bằng sẵn có, vợ chồng ông mở cửa hàng tạp hóa, đồng thời trồng 5 ha mì, đầu tư máy kéo, nhận vận chuyển nông sản cho bà con địa phương. Hiện gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng/năm từ trồng mì, buôn bán và làm dịch vụ. Từ hộ khó khăn về kinh tế, giờ đây gia đình ông đã vươn lên trở thành hộ khá trong thôn, các con của ông đều được đến trường. Ông Manh, chia sẻ: Hai vợ chồng tôi từ cái nghèo đi lên để có như ngày hôm nay, trong cuộc sống quan trọng nhất vẫn là nghị lực vươn lên, bởi nếu người nghèo không tự mình nỗ lực, vượt khó sẽ không thoát được nghèo.
Những hộ đổi mới tư duy làm kinh tế giỏi xuất hiện ngày càng nhiều ở huyện vùng cao Bác Ái. Không chấp nhận cuộc sống khó khăn, giờ đây nhiều hộ đã mạnh dạn thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả. Ông Trần Quý Dương, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bác Ái cho biết: Trong thời gian tới, Phòng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để từng người dân hiểu rõ về chính sách giảm nghèo bền vững, giúp bà con từng bước thay đổi nếp nghĩ, có tinh thần thi đua sản xuất, vươn lên thoát nghèo; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm giúp bà con có việc làm ổn định, thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về vốn vay để người dân có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Kha Hân