Nhân kỷ niệm 50 năm 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không':

Hồi ức 12 ngày đêm bảo vệ bầu trời Hà Nội

Hồi ức về 12 ngày đêm bảo vệ bầu trời Hà Nội cuối năm 1972 của các phi công Việt Nam trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, một lần nữa được khơi dậy tại triển lãm “Từ mặt đất đến bầu trời” diễn ra sáng 14/12 tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).

Sự kiện do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với các đơn vị tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Triển lãm để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Triển lãm giới thiệu hơn 100 tài liệu, gồm 2 chủ đề: “B.52: Hà Nội không bất ngờ” và “Từ mặt đất đến bầu trời”. Thông qua triển lãm, công chúng hiểu rõ hơn về thế trận phòng không mà quân và dân Hà Nội và các tỉnh miền Bắc Việt Nam đã chuẩn bị, chiến đấu đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược với mật danh Linerbaker II của Mỹ.

Ứng dụng công nghệ thông tin để diễn giải câu chuyện lịch sử tại Hầm chỉ huy tác chiến T1- “Hầm T1 trong đêm bão lửa”. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Triển lãm lần đầu tiên giới thiệu câu chuyện của 108 phi công Việt Nam, những nhân chứng đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Trong đó là câu chuyện của những phi công trực tiếp tham gia chiến đấu đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B.52 của đế quốc Mỹ cuối năm 1972. Những hồi ức được chia sẻ thông qua những câu chuyện chân thực của chính những người trong cuộc, sẽ giúp công chúng và thế hệ trẻ một lần nữa ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng, trân trọng ký ức hào hùng của “một thời đạn bom, một thời hòa bình”.

Các bạn trẻ trải nghiệm đội mũ rơm bên hầm trú ẩn những ngày tháng 12/1972. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Triển lãm cũng làm rõ hơn vai trò chỉ huy, kết nối thông suốt các mặt trận từ căn hầm Chỉ huy tác chiến, Bộ Tổng tham mưu (Hầm T1). Dịp này, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cũng ứng dụng công nghệ thông tin để diễn giải câu chuyện lịch sử tại Hầm chỉ huy Tác chiến T1 - “Hầm T1 trong đêm bão lửa”. Đó là công nghệ 3D mapping tái hiện lại hoạt cảnh “Hầm T1 trong đêm bão lửa”, diễn giải câu chuyện và không khí làm việc dưới Hầm T1 trong ngày đầu tiên Mỹ đưa B.52 đánh ra Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là thời khắc chiếc máy bay B.52 đầu tiên bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội trong đêm mở màn chiến dịch, tạo ấn tượng và cảm xúc đặc biệt cho khách tham quan.

Ra mắt, giới thiệu cuốn sách: “108 phi công chiến đấu Việt Nam”. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang khẳng định: Thắng Mỹ trên bầu trời Hà Nội, quân và dân Thủ đô đã góp phần viết nên những trang sử hào hùng nhất của dân tộc trong cuộc đối đầu không cân sức, đập tan uy thế không lực Hoa Kỳ, minh chứng lời tiên đoán thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “B.52 Mỹ chỉ có thua trên bầu trời Hà Nội, chúng mới chịu thua trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam”. Những hoạt động tại triển lãm góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, trân trọng và biết ơn các thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh xương máu cho độc lập dân tộc; phát huy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc.

Trong khuôn khổ Triển lãm đã diễn ra tọa đàm, giao lưu cùng các nhân chứng lịch sử, những phi công chiến đấu quả cảm, anh dũng của Phi đội bay đêm đánh máy bay B52 Mỹ. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Tại Triển lãm cũng diễn ra chương trình tọa đàm, giao lưu cùng các nhân chứng lịch sử, những phi công chiến đấu quả cảm, anh dũng của Phi đội bay đêm, đánh B.52 Mỹ. Đồng thời, Ban tổ chức cũng ra mắt, giới thiệu cuốn sách: “108 phi công chiến đấu Việt Nam” và cuốn sách “Hầm chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng tham mưu trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long”.

Triển lãm diễn ra đến cuối tháng 1/2023.

Theo TTXVN/Báo Tin tức