Quyết định này được thông qua trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 17 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể, diễn ra từ 28/11 đến ngày 3/12 tại thủ đô Rabat của Maroc. Đoàn công tác của tỉnh Ninh Thuận do đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND làm trưởng đoàn tham dự kỳ họp.
Nghệ thuật làm gốm của người Chăm là DSVH phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được UNESCO vinh danh. Việc UNESCO ghi danh nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách DSVH cần bảo vệ khẩn cấp một lần nữa khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với những giá trị văn hóa của người dân hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung, qua đó góp phần không nhỏ giới thiệu đến bạn bè quốc tế về những DSVH đặc sắc của vùng đất duyên hải Nam Trung Bộ, giúp đồng bào dân tộc và cộng đồng tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận nhận thức đầy đủ hơn về giá trị của nghề làm gốm truyền thống của người Chăm trong kho tàng DSVH phi vật thể Việt Nam.
Đoàn công tác tỉnh Ninh Thuận dự kỳ họp lần thứ 17 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ DSVH phi vật thể tại thủ đô Rabat của Maroc.
Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ DSVH phi vật thể của UNESCO đã đánh giá hồ sơ di sản “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” đáp ứng đủ 5 tiêu chí được Công ước đề ra và ghi danh di sản vào Danh sách DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO. Đây là thành quả của sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ trong suốt thời gian qua của cộng đồng, chính quyền các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, với sự tư vấn chuyên môn của các chuyên gia về di sản, sự chỉ đạo tích cực và hiệu quả của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và vai trò điều phối của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh tổ chức UNESCO trong việc đề xuất, lựa chọn ý tưởng, hoàn thiện và vận động hồ sơ.
Việc nghệ thuật làm gốm của người Chăm được ghi danh cũng thúc đẩy các biện pháp thiết thực và hiệu quả nhằm bảo tồn, vực dậy sức sống của di sản, tạo thêm nguồn lực cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản này, hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa theo hướng bền vững, bao trùm ở các địa phương, cộng đồng dân cư. Sự kiện này cũng cho thấy một đóng góp nữa của Việt Nam cho mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản mà UNESCO đang thúc đẩy, nhất là trên cương vị thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 giai đoạn 2022-2026.
Bày tỏ niềm vui khi được chứng kiến “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” được UNESCO ghi vào Danh sách DSVH cần bảo vệ khẩn cấp, đồng chí Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND dân tỉnh, chia sẻ: “Đây không chỉ là vinh dự mà còn là trách nhiệm của lãnh đạo và người dân địa phương trong việc gìn giữ bảo tồn một di sản được thế giới công nhận. Do đó trong thời gian tới, tỉnh cần phải phát huy những giá trị đích thực của di dản, đồng thời gắn kết di sản với phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội của địa phương để những giá trị này đem lại lợi ích chung cho xã hội cũng như cộng đồng, đặc biệt là đối với đồng bào Chăm ở Ninh Thuận”.
Xuân Bính