Nâng cao chất lượng quy hoạch, xây dựng, quản lý để phát triển đô thị

Trong những năm qua, công tác quy hoạch, xây dựng (QHXD), quản lý và phát triển đô thị (PTĐT) trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 1 đô thị loại II và 3 đô thị loại V; tổng diện tích toàn đô thị khoảng 12.974 ha; dân số khu vực nội thành đô thị khoảng 218.794 người; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 36,01%.

Đáng chú ý là tỉnh đã hoàn thành lập, phê duyệt các đồ án QHXD mang tính định hướng cho hoạt động xây dựng như: QHXD 6 vùng huyện; Quy hoạch phát triển dải ven biển; Quy hoạch chung xây dựng Tp. Phan Rang - Tháp Chàm; Quy hoạch chung các thị trấn: Khánh Hải, Phước Dân, Tân Sơn; Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch ven biển phía Nam tỉnh; các quy hoạch phân khu các vùng giáp ranh Tp. Phan Rang - Tháp Chàm và dải ven biển... Nhờ đó, không chỉ kịp thời đáp ứng cho yêu cầu quản lý không gian kiến trúc cảnh quan và kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, hình thành khu đô thị (KĐT) đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, kết nối với các khu vực hiện hữu, mà còn góp phần giải quyết nhu cầu đất ở cho nhân dân và huy động tốt nguồn lực xã hội đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Ngoài ra, tỉnh đã và đang triển khai 8 dự án KĐT, khu dân cư (KDC) với tổng diện tích 138,28 ha và tổng mức đầu tư khoảng 2.580 tỷ đồng như: Các dự án KĐT, KDC đã và đang triển khai gồm có: KĐT mới Đông Bắc (K1), KĐT biển Bình Sơn - Ninh Chữ (K2), KDC Tháp Chàm, KDC, hạ tầng khu phố Đông Hải, KDC Chí Lành, KDC phía Bắc đường Nguyễn Văn Cừ, KDC Minh Mạng, KDC Cầu Quằn. Các dự án KĐT mới đã được chấp thuận chủ trương và đang triển khai các thủ tục pháp lý gồm có: KĐT Đầm Cà Ná, KĐT Phủ Hà, KĐT bờ Sông Dinh, KĐT Khánh Hải, KĐT Mỹ Phước, KĐT Bắc Sông Ông. Bên cạnh đó, có 6 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến là 12.092 tỷ đồng đang triển khai các thủ tục pháp lý. Công tác phát triển nhà ở xã hội được tập trung triển khai và đạt kết quả bước đầu, đáp ứng giải quyết nhu cầu nhà ở cho các đối tượng xã hội. Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2020 đã hoàn thành 3 dự án án nhà ở xã hội, gồm: Nhà ở xã hội D7-D10; Nhà ở xã hội Phú Thịnh; Nhà ở xã hội Hacom Galacity, nâng tổng số căn hộ nhà ở xã hội đến nay lên 1.896 căn hộ.

Một góc khu đô thị Đông Bắc (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: V.M

Qua đánh giá của các ngành chức năng cho thấy, mặc dù công tác QHXD, quản lý và PTĐT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có nhiều chuyển biến và đạt kết quả tích cực, nhưng vẫn còn một số hạn chế, đó là: Tỷ lệ đô thị hóa thấp hơn so mức bình quân chung của cả nước (tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh năm 2021 đạt 36,01%, so với mức trung bình của cả nước là 40%); chất lượng các đô thị còn thấp so với yêu cầu; kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị, nhiều tiêu chí phân loại đô thị chỉ đạt ở mức độ tối thiểu. Tình trạng lãng phí đất đai trong các đô thị chưa được khắc phục và hiệu quả đầu tư xây dựng còn thấp ảnh hưởng đến phát triển bền vững và diện mạo đô thị. Tình trạng ngập úng cục bộ, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, lấn chiếm đất, vi phạm trật tự xây dựng còn diễn ra...

Nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức và hành động trong hoàn thiện thể chế, QHXD, quản lý và PTĐT bền vững theo Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị; ngày 29/9/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 142-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết nêu trên. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 55%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 6-7% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 10,89%.

Về PTĐT, đến năm 2025 có 9 đô thị; đến năm 2030 có 12 đô thị. Đến năm 2025, 100% các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và PTĐT. Vào năm 2025 tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 20%; đến năm 2030 đạt trên 20%. Diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6-10 m2/người vào năm 2025 và khoảng 8-11 m2/người vào năm 2030. Diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt khoảng 25 m2 sàn/người, trong đó đô thị đạt 29 m2 sàn/người vào năm 2025, đến năm 2030 đạt tối thiểu 33,4 m2 sàn/người. Đến năm 2025, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 100% hộ gia đình tại đô thị, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại thông minh; tỷ lệ dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%. Đến năm 2030, phổ cập dịch vụ mạng internet băng rộng cáp quang, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G, tỷ lệ dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%.

Đặc biệt, đến năm 2025 kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP của tỉnh khoảng 75% và khoảng 85% vào năm 2030. Xây dựng và phát triển Tp. Phan Rang - Tháp Chàm thành đô thị xanh, hiện đại, thông minh, đô thị du lịch, dịch vụ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh, thúc đẩy việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trên mọi phương diện trong một tổng thể thống nhất, lấy phát triển “chính quyền điện tử” là trung tâm.

Định hướng đến năm 2045, tỉnh phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cả nước. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng trong và ngoài tỉnh, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh. Xây dựng và phát triển Tp. Phan Rang - Tháp Chàm thành đô thị loại I, là trung tâm du lịch của miền Trung và của cả nước; là đầu mối giao thông liên vùng, trung tâm giao lưu kinh tế với vùng Tây Nguyên, vùng duyên hải miền Trung, khu kinh tế trọng điểm phía Nam và miền Đông Nam bộ. Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỷ trọng lớn.

Để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động số 142-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 16/11/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 5025/KH-UBND yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, phân công, phân nhiệm rõ ràng, tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà kế hoạch đề ra theo đúng lộ trình, tiến độ, mốc hoàn thành từng nội dung công việc. Trong đó, trọng tâm là tập trung thực hiện tốt 7 nhóm nhiệm vụ, gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác QHXD, quản lý và PTĐT bền vững. Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý PTĐT bền vững. Tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị bền vừng, đồng bộ. Đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đối khí hậu. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị. Phát triển kinh tế khu vực đô thị; đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư PTĐT. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, đảm bảo phát triển các đô thị mới theo định hướng Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.