Nỗ lực xây dựng nông thôn mới ở xã miền núi Phước Kháng

Phước Kháng là xã miền núi của huyện Thuận Bắc, với gần 100% đồng bào dân tộc Raglai sinh sống. Bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trong điều kiện hết sức khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng với sự đồng thuận của người dân, phong trào xây dựng NTM đã đạt nhiều kết quả nổi bật.

Toàn xã Phước Kháng hiện có 622 hộ/2.670 nhân khẩu, tập trung sinh sống tại 5 thôn, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, nhưng lại khá manh mún, nhỏ lẻ; kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu, thu nhập đầu người thấp so với bình quân chung của toàn huyện. Đồng chí Chamaléa Hiêu, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Với xuất phát điểm thấp nên địa phương rất thận trọng trong việc lựa chọn các tiêu chí để thực hiện. Với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, xã tập trung kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy lãnh đạo, quản lý thực hiện chương trình từ xã đến thôn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức học tập nâng cao trình độ, bồi dưỡng kiến thức về xây dựng NTM, sau đó tổ chức tuyên truyền đến người dân; nhiều cán bộ, đảng viên cơ sở còn phát huy tốt tính tiền phong gương mẫu đi đầu trong việc triển khai thực hiện, vận động được nhân dân đóng góp công sức đưa các tiêu chí NTM phát huy hiệu quả cao nhất.

Hệ thống giao thông hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản.

Xác định trồng trọt và chăn nuôi là kinh tế chủ lực, cấp ủy, chính quyền xã đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nội dung về tiêu chí sản xuất. Để phục vụ tốt hoạt động sản xuất nông nghiệp, xã đặc biệt quan tâm xây dựng các công trình thủy lợi, đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Năm 2021, từ vốn phân bổ của UBND huyện, xã xây mới, nâng cấp 2,3 km kênh mương nội đồng, với kinh phí trên 1,4 tỷ đồng, nâng tổng số kênh mương được đầu tư nâng cấp hơn 8 km, góp phần chủ động nước tưới tiêu cho trên 90% diện tích canh tác trên địa bàn. Nhờ đó, tổng sản lượng lương thực có hạt hằng năm đạt hơn 786 tấn; trong đó, diện tích lúa 74 ha, năng suất đạt 4,5 tạ/sào; cây bắp 252 ha, năng suất đạt từ 1,8-2 tạ/sào; rau đậu các loại 91 ha. Ngoài các loại cây trồng chủ lực, những diện tích xa nguồn nước, trên các triền núi, vùng đất dốc, xã vận động bà con trồng cây ăn quả như mít, xoài, mãng cầu với khoảng 90 ha, làm tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích. Ngoài ra, phát huy lợi thế khu vực miền núi, địa phương còn thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi phù hợp, với các mô hình chăn nuôi bò, dê cừu, heo đen sinh sản, gà thả vườn. Qua đó, không chỉ làm thay đổi nhận thức, tập quán chăn nuôi của bà con lâu nay mà còn tác động tích cực tới quá trình tăng tỷ trọng đàn, tạo ra giá trị sản phẩm hàng hóa dồi dào.

Một trong những điểm sáng đáng ghi nhận trong xây dựng NTM ở địa phương, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự linh hoạt, đa dạng trong công tác tuyên truyền, phong trào chung tay xây dựng các công trình phúc lợi được đông đảo người dân hưởng ứng. Dựa trên cơ sở quy hoạch về kết cấu hạ tầng trong đề án xây dựng NTM, bên cạnh nguồn vốn đầu tư của nhà nước, xã tích cực vận động người dân cùng làm để rút ngắn thời gian hoàn thành các tiêu chí. Tiêu biểu như gia đình ông Katơr Buống, ở thôn Suối Le, mặc dù là hộ nghèo, thu nhập thấp nhưng khi xã phát động xây dựng đường giao thông nông thôn, ông đã không ngần ngại hiến 700 m2 đất trồng bắp để làm đường giao thông. Cùng với đó, hàng chục hộ gia đình tự nguyện phá dỡ hàng rào, lùi một phần đất sản xuất và tham gia đóng góp hàng trăm ngày công để xây dựng công trình hạ tầng tầng. Đến nay, hệ thống giao thông, với chiều dài hơn 9,2 km được bê tông hóa 100%, tất cả các thôn đều có nhà văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng; có trên 99% hộ dân được sử dụng điện, nước sạch hợp vệ sinh; tỷ lệ nhà tạm, dột nát giảm 1-2%/năm; công tác chăm sóc sức khỏe được triển khai tốt, 100% người dân đều có thẻ bảo hiểm y tế...

Qua kết quả rà soát, đến nay, xã Phước Kháng đã đạt 13/19 tiêu chí NTM. Cuộc sống của người dân được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân đạt 18 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4-5%/năm; diện mạo nông thôn miền núi dần khởi sắc. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, địa phương cũng còn những khó khăn nhất định trong xây dựng NTM. Trong số các tiêu chí đạt vẫn ở mức độ thấp, nguyên nhân là do thuộc địa bàn miền núi, trình độ dân trí người dân thấp, khả năng áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nguồn lực đóng góp trong dân không đáng kể, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện chương trình trên địa bàn.

Đồng chí Chamaléa Hiêu, cho biết thêm: Nhằm phấn đấu hoàn thành các tiêu chí còn lại trong thời gian tới, địa phương tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo; huy động lồng ghép các nguồn vốn thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển sản xuất và đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp.