Đến ngày 22/9, Bộ Y tế đã cấp cho tỉnh 1.555.330 liều, toàn tỉnh đã tiêm được 1.549.081 liều vắc xin phòng COVID-19. Trong đó, tổng số tiêm mũi 3 cho người trên 18 tuổi đạt 94,8%, mũi 4 đạt 17,5%; tổng số tiêm mũi 3 cho người từ 12 đến 17 tuổi đạt 44,5%; tổng số tiêm mũi 1 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi đạt 88,4%, mũi 2 đạt 68,1%.
Hiện nay, dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự xuất hiện của nhiều biến thể với tốc độ lây nhiễm nhanh hơn, hiện tượng tái nhiễm diễn ra thường xuyên, trong khi hầu hết các quốc gia đã mở cửa du lịch sẽ làm nhanh khả năng lây lan của dịch bệnh. Trước tình hình đó, vắc xin phòng COVID-19 vẫn sẽ là biện pháp hữu hiệu nhất để kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, gần một tuần nay, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đi tiêm mũi 3 và mũi 4 đối với người trên 18 tuổi, mũi 3 cho trẻ 12 đến 17 tuổi và mũi 1, 2 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi khi đến các cơ sở y tế đều được thông báo hết vắc xin. Trao đổi với bác sĩ Nguyễn Nhị Linh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Hiện nay, số lượng vắc xin phòng COVID-19 do Bộ Y tế cấp cho tỉnh đã được ngành Y tế triển khai tiêm hết. Đơn vị cũng đã báo cáo và kiến nghị Bộ Y tế khẩn trương phân bổ thêm vắc xin phòng COVID-19 cho Ninh Thuận. Ngay khi có vắc xin về, ngành Y tế sẽ thông báo cho người dân đến lịch để tiêm. Việc tiêm vắc xin đủ liều luôn là biện pháp tối ưu để củng cố miễn dịch, bảo vệ sức khỏe tốt cho người dân, bảo vệ cộng đồng bền vững, giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong, góp phần ổn định phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.
Nhân viên Trạm Y tế phường Phủ Hà (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) tiêm vắc xin phòng COVID-19
cho người dân. Ảnh: V.M
Để tăng cường hơn nữa công tác triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19, tăng nhanh tỷ lệ bao phủ các mũi vắc xin cho các nhóm đối tượng, đảm bảo an toàn, thích ứng linh hoạt trong mọi diễn biến dịch mới có thể xảy ra theo chỉ đạo của trung ương, Thường trực Tỉnh ủy; Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, thành phố quyết liệt chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương thực hiện các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19. Đây là công việc rất quan trọng nhằm bảo đảm duy trì hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Liên quan công tác phòng, chống dịch COVID-19, UBND tỉnh cũng đã ban hành Văn bản số 3969/UBND-VXNV về triển khai thực hiện việc sử dụng khẩu trang phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị và toàn thể nhân dân thực hiện nghiêm việc sử dụng khẩu trang phòng, chống dịch COVID-19 trong các trường hợp, địa điểm bắt buộc phải sử dụng khẩu trang, cụ thể: Áp dụng chung đối với người có biểu hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19; tất cả các đối tượng (trừ trẻ em dưới 5 tuổi) khi đến nơi công cộng thuộc khu vực đã được công bố cấp độ dịch ở mức độ 3 hoặc mức độ 4 theo quyết định công bố cấp độ dịch của UBND cấp huyện và được đăng trên Cổng thông tin của Bộ Y tế, Cổng thông tin điện tử của tỉnh.
Áp dụng cụ thể với một số địa điểm, đối tượng sau: Tại cơ sở y tế; nơi cách ly y tế; nơi lưu trú mà có người đang cách ly y tế hoặc đang theo dõi, giám sát y tế áp dụng với tất cả các đối tượng (trừ những người cách ly ở trong phòng đơn; người bị suy hô hấp, người bệnh đang phải thực hiện thủ thuật y tế theo chỉ định của bác sĩ, trẻ em dưới 5 tuổi). Đối với nhân viên y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định tại Quyết định số 2171/QĐ-BYT của Bộ Y tế.
Khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng (máy bay, tàu hỏa, tàu thủy, tàu điện, phà, xe khách, xe buýt, taxi,...) áp dụng với hành khách; người điều khiển, người phục vụ trên phương tiện giao thông công cộng; nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động tại nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ khi tiếp xúc trực tiếp với hành khách.
Tại trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, cảng cá, chợ truyền thống áp dụng với người bán hàng, nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.
Tại nơi có không gian kín, thông khí kém (quán bar, vũ trường, karaoke; cơ sở dịch vụ xoa bóp, làm đẹp; cơ sở cắt tóc; phòng tập thể dục, thể hình; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống phục vụ tại chỗ; rạp chiếu phim, nhà hát, rạp xiếc, nhà thi đấu, trường quay) áp dụng với nhân viên phục vụ, người bán hàng, người quản lý, người lao động khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.
Tại cơ sở văn hóa, du lịch, nơi tổ chức sự kiện tập trung đông người (các công trình di tích; bảo tàng, thư viện, triển lãm, nhà trưng bày; khu du lịch, khu vui chơi, giải trí; sự kiện văn hóa, thể dục, thể thao; lễ cưới, lễ tang, lễ hội, hội chợ) áp dụng với nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động, người bán hàng khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và người tham dự.
Tại nơi tiếp nhận hồ sơ, nơi giao dịch áp dụng với nhân viên tiếp nhận hồ sơ, nhân viên giao dịch khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.
Các trường hợp khác (ngoài các địa điểm, đối tượng được quy định trên) được khuyến khích sử dụng khẩu trang khi đến nơi công cộng.
Bình An