Hoạt động các sở, ngành, địa phương

* Đến đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 57 dự án dịch vụ du lịch được cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký 29.686 tỷ đồng. Trong đó có 19 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn đăng ký 3.180 tỷ đồng; tạo ra nhiều diện mạo mới, hứa hẹn thúc đẩy tăng trưởng du lịch bền vững trong tương lai. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch tiếp tục được phát triển, đến nay toàn tỉnh có 203 cơ sở lưu trú du lịch với trên 4.400 phòng, trong đó số phòng có chất lượng đạt tiêu chuẩn tương đương 3 sao trở lên chiếm trên 50%. Mục tiêu đến năm 2025, toàn ngành du lịch phấn đấu thu hút 3,5 triệu lượt khách, doanh thu khoảng 2.900 tỷ đồng, đóng góp 13% GRDP và giải quyết việc làm cho 15% lao động của toàn tỉnh. Đến năm 2030, phấn đấu đón 6 triệu lượt khách, doanh thu khoảng 5.900 tỷ đồng, đóng góp 15% GRDP và giải quyết việc làm cho 20% lao động của toàn tỉnh.

* Đến nay, Ninh Thuận có đồng muối và sản lượng muối lớn nhất cả nước, với diện tích 3.267 ha, sản lượng bình quân từ 450.000 - 500.000 tấn/năm. Riêng diện tích muối công nghiệp đạt 2.447 ha, với sản lượng trung bình 257.836 tấn/năm. Một số diện tích đồng muối đã chuyển đổi sang phương pháp sản xuất trải bạt trên nền ô kết tinh và phủ bạt che mưa mang lại năng suất và chất lượng cao. Trong đó, dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ là một trong những khu kinh tế muối trọng điểm quốc gia với sản lượng trên 300.000 tấn/năm. Hiện nay, tỉnh đang triển khai thực hiện Đề án Nâng cao giá trị sản xuất, chế biến muối tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021- 2030 làm cơ sở từng bước hình thành cánh đồng lớn sản xuất muối trong thời gian tới; đồng thời đang kiến nghị đầu tư Tổ hợp xanh và hóa chất sau muối tại tỉnh, với quy mô 700 ngàn tấn xút/năm.

Công nhân Công ty Cổ phần Sản xuất và Chế biến muối BIM (Thuận Nam) thu hoạch muối. Ảnh: Văn Nỷ

* Tính đến đầu tháng 9, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 36.300 tỷ đồng, tăng 2.964 tỷ đồng, tăng 8,89% so với cuối năm 2021, bằng 94,69% kế hoạch. Trong đó lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản đạt 8.100 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 22,31% trong tổng dư nợ, tăng 10,7% so với cuối năm 2021; công nghiệp - xây dựng đạt 7.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19,28% trong tổng dư nợ, giảm 156 tỷ đồng, giảm 2,18%; thương mại, dịch vụ và hoạt động phục vụ cá nhân cộng đồng, đạt 21.200 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 58,4% trong tổng dư nợ, tăng 2.337 tỷ đồng, tăng 12,39%) so với cuối năm 2021.