* Tính đến tháng 9, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 2.805 tỷ đồng, với 94.317 khách hàng (KH) còn dư nợ. Trong đó hộ nghèo 263 tỷ đồng/7.885 KH, chiếm 9,4% dư nợ; hộ cận nghèo 362 tỷ đồng/10.953 KH, chiếm 12,9%; hộ mới thoát nghèo 953 tỷ đồng/29.754 KH, chiếm 34%; học sinh - sinh viên 164 tỷ đồng/4.892 KH, chiếm 5,8%; giải quyết việc làm 262 tỷ đồng/6.954 KH, chiếm 9,3%; hộ SXKD vùng khó khăn 349 tỷ đồng/10.407 KH, chiếm 12,4%... Vốn tín dụng ưu đãi đã giúp 63.279 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho hơn 26.000 lao động; 66.162 học sinh, sinh viên được vay vốn học tập; xây dựng 87.076 công trình nước sạch và công trình nhà vệ sinh; 8.035 hộ nghèo vay vốn xây dựng nhà ở... Qua đó, góp phần thúc đẩy tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 1,5 - 2%/năm.
* Nhằm thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển khoa học - công nghệ, hỗ trợ đầu tư dự án chăn nuôi, trồng trọt ứng dụng CNC; đầu tư trang thiết bị, ứng dụng CNC trong chế biến bảo quản sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh quy hoạch 13 vùng nông nghiệp CNC, với quy mô 4.306 ha, tập trung các sản phẩm chủ lực địa phương có thế mạnh như: Vùng sản xuất nho, rau, mía, cây ăn quả; dê, cừu, tôm giống ứng dụng CNC... trên địa bàn tỉnh đã có 31 dự án nông nghiệp ứng dụng CNC đi vào hoạt động, gồm 18 dự án trồng trọt, 3 dự án chăn nuôi, 8 dự án thủy sản, 2 dự án chế biến nông sản, cho sản phẩm và mang lại hiệu quả khá tích cực.
Du khách tham quan, trải nghiệm tại vùng trồng nho Thái An (Ninh Hải). Ảnh: Văn Nỷ
* Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh năm 2021, tỉnh ta có giá trị DTI đạt 0,3048 - tăng trưởng 44,6% so với năm 2020; xếp hạng 53/63 tỉnh, thành phố; tăng 10 bậc so với năm 2020. Nguyên nhân chính khiến chỉ số DTI của tỉnh năm 2021 còn đạt thấp là do nguồn nhân lực số của tỉnh còn hạn chế, nhất là nhân lực về an toàn thông tin, chuyển đổi số; nguồn lực về tài chính đầu tư từ ngân sách nhà nước, chi thường xuyên cho ứng dụng CNTT, chuyển đổi số còn hạn chế. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của tỉnh đạt thấp; lượng giao dịch trên sàn thương mại điện tử Vỏ sò và Postmart còn nhiều khó khăn...
* Ngày 20/9, Trung tâm Chính trị huyện Thuận Bắc tổ chức lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đội cho 60 cán bộ phụ trách thiếu nhi các xã, giáo viên Tổng phụ trách đội và Ban Chỉ huy các liên đội tại các trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện.
Đoàn viên, thanh niên huyện Thuận Bắc tham gia tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật.. Ảnh: N.Diệp
Trong thời gian 2 ngày, các học viên được học tập các nội dung: Vấn đề cơ bản về Đội Thiếu niên tiền phong (TNTP) Hồ Chí Minh; nghiệp vụ công tác Đội TNTP Hồ Chí Minh, hướng dẫn thực hiện nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh; kỹ năng bơi và phòng, chống đuối nước trẻ em; kỹ năng phòng, chống ma túy cho thanh, thiếu nhi.
* Ngày 20/9, Tổng đội Thanh niên xung phong phối hợp với Huyện đoàn Thuận Bắc tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) hướng đến xây dựng và phát triển mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số cho 30 đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện.
Các học viên tham gia lớp Bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đội năm 2022.Ảnh: N.Diệp
Tham gia tập huấn, các đoàn viên, thanh niên được cập nhật các kiến thức về chương trình OCOP; việc ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ, phát triển sản phẩm OCOP; áp dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc rau, quả sạch trong nhà kính; hướng dẫn thực hiện quy trình đăng ký sản phẩm OCOP.
Qua đó, giúp đoàn viên, thanh niên nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của phát triển kinh tế nông thôn, sản xuất nông nghiệp trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ đó, chủ động áp dụng khoa học - công nghệ vào thực tiễn sản xuất để nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, tăng thu nhập, ổn định đời sống và góp phần bảo vệ môi trường.
* Ngày 19/9, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh tổ chức tập huấn cấp giấy chứng nhận sử dụng phần mềm đăng ký, quản lý xe và các văn bản chỉ đạo của Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông về việc phân cấp đăng ký mô tô, xe máy cho công an xã đợt 2.
Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh thực hiện nội dung bắn súng CZ75.
Trong thời gian 4 ngày, cán bộ làm công tác đăng ký xe của công an các xã trên địa bàn tỉnh được tập huấn và nắm vững các nội dung về quy đinh, quy trình cấp đổi, cấp lại, thu hồi chứng nhận đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; sử dụng thành thạo phần mềm đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; giới thiệu hệ thống cơ sở dữ liều dùng chung cảnh sát giao thông... Việc tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước, phòng ngừa sai phạm và tiêu cực trong công tác đăng ký, quản lý phương tiện; đáp ứng yêu cầu và nâng cao hiệu quả phục vụ Nhân dân trong tình hình hiện nay.
* Từ ngày 16 đến 25/9, Công an tỉnh tổ chức bắn đạn thật súng ngắn quân dụng năm 2022 cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trong toàn lực lượng tại trường bắn Láng Me, xã Bắc Phong (Thuận Bắc).
Với nội dung kiểm tra bắn đạn thật súng ngắn quân dụng, CBCS sử dụng súng ngắn CZ75, được bắn thử súng 5 viên và bắn lấy thành tích 5 viên, ngắm mục tiêu với cự ly khoảng cách 25 m. Trường bắn Láng Me được chia làm 6 khu vực gồm: Tuyến chỉ huy, tuyến tập kết nghỉ ngơi, tuyến y tế, tuyến phát đạn, tuyến chuẩn bị và tuyến dẫn bắn.
Đợt kiểm tra bắn đạn thật giúp CBCS nắm vững các kiến thức, sử dụng thành thạo các loại vũ khí, biết vận dụng kỹ thuật, chiến thuật trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, qua đó góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân ngày càng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình mới.
NN-Ngọc Diệp-Đức Minh-Cơ Nguyên