Nỗ lực chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

Thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực trong chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Tuy nhiên, việc chống khai thác IUU vẫn còn một số khó khăn, tồn tại cần sớm được giải quyết.

Toàn tỉnh hiện có 2.262 tàu cá, trong đó có 814 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đánh bắt xa bờ. Trong 9 tháng đầu năm 2022, qua triển khai công tác chống khai thác IUU đã được các đơn vị, địa phương liên quan thực hiện quyết liệt, liên tục với nhiều hình thức tuyên truyền nên nhận thức của ngư dân đã có nhiều chuyển biến. Các hành vi vi phạm khai thác IUU cũng được xử lý quyết liệt, góp phần răn đe các đối tượng vi phạm. Tỉnh đã tổ chức vận hành, sử dụng hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS) đạt hiệu quả, phục vụ tốt việc quản lý hoạt động tàu cá trên biển. Việc quản lý, theo dõi, giám sát hoạt động của tàu cá trên hệ thống VMS được thực hiện nghiêm túc 24/7, cảnh báo kịp thời tàu cá có nguy cơ xâm phạm vùng biển nước ngoài. Qua kiểm tra tại các cảng cá và đối chiếu với số liệu từ Tổng cục Thủy sản cho thấy thời gian qua không có tàu cá Ninh Thuận vi phạm khai thác IUU.

Thu mua hải sản tại Cảng cá Cà Ná (Thuận Nam).

Theo Chi cục Thủy sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 796 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đã lắp đặt thiết bị VMS trong tổng số 814 tàu cá thuộc diện bắt buộc (đạt 98%), còn 17 tàu chưa lắp đặt thiết bị VMS (7 tàu đang nằm bờ, 10 tàu hư hỏng, thua lỗ chưa có khả năng tham gia khai thác) và 1 tàu đang làm thủ tục sang nhượng. Công tác đánh dấu tàu cá cũng được triển khai thực hiện nghiêm túc. Đến nay đã có 2.144 tàu cá của tỉnh được đánh dấu, trong đó có 775 tàu từ 15 m trở lên (đạt 100%), 460 tàu từ 12 đến dưới 15 m (đạt 85%), tàu cá dưới 12 m là 909 tàu (đạt 100%). Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thủy sản đã kiểm tra công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác với 4.422 lượt tàu cá, trong đó có 2.367 lượt tàu rời bến và 2.055 lượt cập bến, thu 3.764 sổ nhật ký khai thác, giám sát trên 5.512 tấn hải sản bốc dỡ qua cảng để cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia. Trong năm, đã có 596 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, lũy kế 803 chiếc trong tổng số 814 chiếc dài từ 15 m trở lên, đạt 98,6%. Đến nay, tỉnh cũng đã cấp giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi cho 814 tàu cá, nâng tổng số giấy phép khai thác thủy sản đã cấp cho tàu cá của tỉnh là 2.194 giấy.

Ông Đặng Văn Tín, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chống khai thác IUU vẫn còn một số khó khăn hạn chế như: Nhiều tàu cá kể cả chủ tàu mang số đăng ký Ninh Thuận nhưng đã di chuyển gia đình vào các tỉnh miền Nam (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) sinh sống, tạm trú, hoạt động khai thác và thường xuyên thay đổi chỗ ở nên gặp khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức ký cam kết cho ngư dân về việc chấp hành các quy định trong hoạt động đánh bắt hải sản. Mặt khác, vẫn còn một số tàu cá nằm trong diện bắt buộc nhưng chưa thực hiện việc lắp đặt VMS để giám sát hoạt động tàu cá qua hệ thống với nhiều lý do như: Đang làm thủ tục trong quá trình sang nhượng, cải hoán tàu cá, do gặp khó khăn về tài chính, làm ăn thua lỗ, bị hư hỏng đang tạm ngừng sản xuất. Bên cạnh đó, hạ tầng các cảng cá bị xuống cấp, không bảo đảm an toàn vệ sinh đã ảnh hưởng đến các hoạt động tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu.

Nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác IUU, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các địa phương, đơn vị liên quan, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông, thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan về chống khai thác IUU; thực hiện các biện pháp bảo đảm ngăn chặn, chấm dứt, không để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Sớm hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS, tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong điều tra, xử lý dữ liệu tàu cá qua VMS, xử phạt nghiêm các tàu cá có hành vi vi phạm khai thác IUU; đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các cảng cá chỉ định phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc hải sản. Mặt khác, tỉnh cũng đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm trình Chính phủ xem xét bổ sung quy định xử lý hành vi vi phạm khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài đối với cả chủ tàu cá và thuyền trưởng; tăng cường tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ để đáp ứng tình hình nhiệm vụ quản lý tàu cá, hoạt động trên biển, cũng như kiểm soát tàu cá, giám sát sản lượng hải sản bốc dỡ tại cảng cá; có cơ chế bổ sung nguồn nhân lực, vật lực cho lực lượng kiểm ngư địa phương, đảm bảo lực lượng có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm khai thác bất hợp pháp; bố trí kinh phí và cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU.