Tín dụng chính sách xã hội là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ cho các hộ gia đình khó khăn vươn lên, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua, ngoài vốn cân đối từ trung ương, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh còn triển khai nhiều giải pháp huy động nguồn lực tài chính để cho vay đến các đối tượng thụ hưởng.
Để công tác huy động nguồn lực tài chính đạt kết quả cao, Chi nhánh NHCSXH tỉnh luôn bám sát mục tiêu, định hướng chỉ đạo của NHCSXH Việt Nam và áp dụng linh hoạt cơ chế, chính sách về huy động vốn theo quy định của Nhà nước để triển khai thực hiện. Bà Hồ Thị Kiều Chinh, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh, cho biết: Hằng năm, ngoài tổ chức hoạt động “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo”, đơn vị còn tập trung vận động các hội, đoàn thể nhận ủy thác, MTTQ Việt Nam các cấp gửi các nguồn quỹ ngoài ngân sách tạm thời chưa sử dụng vào NHCSXH, phối hợp các tổ chức hội cơ sở, tổ tiết kiệm và vay vốn tích cực tham gia huy động tiền gửi tiết kiệm dân cư, góp phần giảm cấp bù cho ngân sách nhà nước. Cùng với đó, Ban đại diện - Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp chủ động tham mưu cho UBND cùng cấp quan tâm dành một phần kinh phí để ủy thác cho NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay và các đối tượng chính sách khác.
Khách hàng tham gia gửi tiền tiết kiệm tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.
Ngoài ra, với quy trình tiếp nhận, hoạt động tương đối đa dạng, việc gửi và rút tiền có thể thực hiện ngay ở các điểm giao dịch định kỳ tại trụ sở UBND các xã trên địa bàn. Đặc biệt, lãi suất NHCSXH tương đương với mức lãi suất huy động của các hệ thống ngân hàng thương mại khác, nên ngày càng nhận được sự quan tâm, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng. Đến nay, ngoài vốn cân đối từ trung ương hơn 2.370 tỷ đồng, NHCSXH tỉnh thực hiện huy động vốn trên địa bàn tỉnh đạt 357,9 tỷ đồng; trong đó, huy động tiền gửi tiết kiệm của hộ vay thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn 156,2 tỷ đồng, huy động từ các tổ chức, cá nhân 201,7 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH là 80,5 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn bổ sung tương đối lớn, các chương trình cho vay được thực hiện liên tục, ổn định. Gia đình chị Cao Thị Đanh, ở thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) là một trong nhiều trường hợp được hưởng lợi từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi đầu tư sản xuất có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo. Năm 2017, gia đình chị được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo, đến nay, chị Đanh đã phát triển đàn bò lên 12 con, xây dựng chuồng trại nuôi 15 con heo đen và có hơn 100 con gà thả vườn, với mức thu nhập mỗi năm trên 60 triệu đồng. Mỗi tháng, ngoài đóng lãi theo quy định, chị còn dành một khoảng tham gia gửi tiết kiệm nên đã trả hết số nợ gốc vay ban đầu.
Hiện nay, nguồn vốn cho vay của các chương trình tín dụng chủ yếu được bố trí từ ngân sách trung ương và địa phương; tuy nhiên, qua nắm bắt thực tế, nhu cầu tiếp cận vốn vay để phát triển kinh tế, giải quyết việc làm... của các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh còn rất lớn. Bằng các biện pháp tích cực, công tác huy động vốn của hệ thống ngân hàng đem lại hiệu quả rõ rệt, tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và của toàn xã hội cùng chung tay tạo lập nguồn vốn bổ sung, giúp NHCSXH tỉnh thực hiện đảm bảo các chương trình cho vay của Chính phủ.
Phát huy kết quả đạt được, trong những năm tới, NHCSXH tỉnh tăng cường công tác phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác vận động, khuyến khích người dân sử dụng tiền nhàn rỗi, huy động nguồn tiền tạm thời chưa sử dụng từ quỹ MTTQ Việt Nam, quỹ ngoài ngân sách của các sở, ngành tham gia gửi vào ngân hàng. Cùng với đó, đẩy mạnh việc gắn kết cho vay với hoạt động chuyển giao khoa học - kỹ thuật, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Hồng Lâm