Trong nền di sản văn hóa, không thể không nhắc đến âm nhạc truyền thống của của đồng bào Raglai, với những bài ca nghi lễ, những làn điệu dân ca, dân vũ, những bài hát ru, những điệu ngâm hari… đã ăn sâu vào tâm hồn của mỗi người Raglai. Hầu hết trong các lễ hội, lễ nghi đều có tiếng Mã la, tiếng trống, tiếng kèn bầu Sarakel. Hệ thống nhạc cụ truyền thống của họ bắt đầu hình thành từ những ý niệm đơn giản nhất là dựa vào một loại “đá kêu”-nguyên vật liệu sẵn có trong tự nhiên mà tạo ra những âm vang núi rừng với những bản nhạc thiên nhiên, vừa có tác dụng đuổi muông thú, giữ nương rẫy. Cũng có thể họ muốn sáng chế ra bản nhạc đầy chất tâm tình để giãi bày sau một ngày lao động mệt nhọc, hay tâm tình với người bạn đời để họ hiểu nhau hơn. Từ những tín hiệu ấy, họ đã sáng chế ra loại nhạc cụ với những cung bậc khác nhau tạo nên bản nhạc rất riêng và cứ như thế, trôi theo thời gian mà dần phát triển thành một hệ thống nhạc cụ bài bản và lưu truyền mãi cho đến ngày nay.
Đội nhạc cụ truyền thống của đồng bào Raglai xã Vĩnh Hải (Ninh Hải). Ảnh tư liệu
Trong nhiều năm qua, Bảo tàng Ninh Thuận cũng chú trọng điều tra, nghiên cứu, sưu tầm hệ thống nhạc cụ và hình ảnh các nghệ nhân đang biểu diễn nhạc cụ của người Raglai để lưu giữ những giá trị truyền thống của họ. Ngoài ra, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai cũng được chú trọng triển khai, tổ chức trưng bày, triển lãm tại Bảo tàng tỉnh. Tổ chức các đợt trưng bày, triển lãm lưu động chuyên đề “Đặc trưng văn hóa tộc người Raglai” tại Trung tâm huyện Bác Ái, nhân sự kiện “Ngày hội Văn hóa dân tộc Raglai tỉnh Ninh Thuận” năm 2013, là một hoạt động văn hóa lớn nhằm quảng bá, tôn vinh giá trị văn hoá truyền thống của tộc người Raglai tỉnh Ninh Thuận nói riêng và cộng đồng người Raglai trên cả nước nói chung. Tổ chức trưng bày, triển lãm chuyên đề “Văn hóa Raglai ở Ninh Thuận” tại Bảo tàng Ninh Thuận và lưu động chuyên đề về “Văn hóa Raglai ở Ninh Thuận” tại Bảo tàng tỉnh Cà Mau trong năm 2017. Trong năm 2022, nhân sự kiện tổ chức triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam” trong khuôn khổ “Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III-Cần Thơ năm 2022” và nhân sự kiện tổ chức triển lãm “Không gian Di sản văn hóa Việt Nam” là hoạt động văn hóa trong khuôn khổ Năm Du lịch 2022, với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”, Bảo tàng Ninh Thuận cũng góp phần trưng bày, triển lãm “Nhạc cụ truyền thống của người Chăm và Raglai ở Ninh Thuận” và trưng bày, triển lãm “Sắc màu Di sản tỉnh Ninh Thuận”.
Thông qua các đợt trưng bày, triển lãm nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa, các danh lam thắng cảnh tiêu biểu của tỉnh Ninh Thuận, nét văn hóa đặc sắc về quê hương và con người Ninh Thuận, giới thiệu sản phẩm đặc thù của tỉnh và các sản phẩm làng nghề truyền thống, nét đặc trưng văn hóa của các tộc người ở Ninh Thuận nói chung, âm nhạc truyền thống của người Raglai nói riêng. Đây là việc làm thiết thực nhằm để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá tộc người ở Ninh Thuận.
Bá Văn Quyến