Về Cà Ná vào những ngày giữa tháng 6 Âm lịch, không khí lễ hội diễn ra rộn ràng bởi tiếng trống, tiếng hát. Tại lăng Vạn Lạch, nơi thờ thần Nam Hải, hàng trăm người dân tập trung theo dõi đoàn tuồng biểu diễn. Theo ông Nguyễn Văn Giỏi, Trưởng ban Nghi lễ lăng Vạn Lạch, Lễ hội Cầu Ngư diễn ra vào ngày rằm tháng 6 hằng năm, trình tự gồm các bước: Lễ nghinh Ông, Lễ Thỉnh sinh và Lễ Tế thần Nam Hải, phần hội và Lễ tống na. Lễ hội Cầu Ngư là nét đẹp văn hóa của cả cộng đồng cư dân ven biển, vì thế các nghi thức trong lễ hội được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, đảm bảo tính trang nghiêm, long trọng, theo đúng quy tắc, phong tục, tập quán truyền thống bao đời của ngư dân trong vùng.
Ngư dân Cà Ná và Phước Diêm (Thuận Nam) làm Lễ nghinh Ông. Ảnh: Văn Nỷ
Đúng 2 giờ chiều, ngày 15-6 Âm lịch, tại khu vực cửa biển, ngư dân trong vùng tiến hành tổ chức Lễ nghinh Ông. Đây là nghi thức đầu tiên của Lễ hội Cầu Ngư để mời và rước thần Nam Hải từ biển về lăng thờ. Lễ kéo dài trong khoảng 2 giờ, đoàn nghinh Ông có khoảng 60 người, bao gồm các bậc cao niên, đội kèn, đội trống, đội thần binh hộ vệ, đội múa lân, đội múa siêu hát hò bá trạo. Lễ diễn ra tưng bừng, nhộn nhịp, thu hút đông đảo ngư dân trong làng và khách tứ phương đến xem và tìm hiểu.
Trong Lễ hội Cầu Ngư, sau khi kết thúc Lễ nghinh Ông, rước thần Nam Hải về nhập điện, người dân làng biển Cà Ná, Phước Diêm còn tổ chức thỉnh rước thần thành hoàng bổn xứ, bậc tiền hiền từ đình làng về lăng để cùng chia vui trong ngày hội, đồng thời để người dân trong làng thể hiện tấm lòng biết ơn đối với các vị tiền bối đã có công khai khẩn lập làng.
Sau các nghi thức cúng tế, Lễ hội Cầu Ngư bước vào phần hội hay còn gọi là Thứ lễ. Thứ lễ là phần hát cúng thần, thường được tổ chức 3 năm một lần kéo dài trong vòng 3-4 ngày. Ban Tổ chức mời các đoàn hát tuồng về hát phục vụ bà con nhằm thể hiện niềm biết ơn dành cho thần Nam Hải đã luôn phù hộ, che chở cho ngư dân trước sóng gió biển cả mênh mông và niềm vui trước sự ưu ái mà thiên nhiên đã ban tặng cho ngư dân. Yêu cầu bắt buộc ở phần này là tiết mục khai diễn bao giờ cũng là một vở tuồng ông, tức nhân vật trong vở tuồng này phải là các bậc nam nhi quân tử với khí chất oai phong, chính trực, can đảm, hào hiệp trượng nghĩa, kiên cường và trung thành tuyệt đối. Phần khai diễn kéo dài từ 1-3 giờ đồng hồ. Kết thúc phần khai diễn là phần hát hội, đoàn tuồng tự do biểu diễn các trích đoạn tuồng được người dân yêu thích, đa phần là những ca khúc tươi đẹp về quốc thái dân an, cầu ngư dân thắng lợi. Tiết mục biểu diễn cuối cùng trong phần Thứ lễ gọi là Lễ tôn Vương, thường kéo dài trong vòng 1 giờ. Đoàn hát sẽ biểu diễn một trích đoạn tuồng tái hiện lại quá trình lên ngôi của vị vua trẻ, thể hiện khát vọng về cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.
Câu lạc bộ tuồng cổ Ninh Thuận biểu diễn phục vụ người dân tại Lễ hội Cầu Ngư ở Cà Ná.
Lễ hội Cầu ngư đã trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh độc đáo được mong chờ hằng năm của người dân làng biển hai xã Cà Ná và Phước Diêm. Trong những ngày diễn ra lễ hội, dù bận rộn, nhưng người dân dành thời gian hội tụ về lăng để khấn bái thần Nam Hải và gặp gỡ, vui chơi, thưởng thức tuồng. Ông Trịnh Kim Ảnh, 70 tuổi, sinh ra và lớn lên ở làng biển, sống nhờ cả vào biển đã nhiều lần chứng kiến và tham gia Lễ hội Cầu Ngư, hằng năm ông vẫn háo hức, mong chờ đến ngày này để bày tỏ, cảm tạ tấm lòng với vị thần Nam Hải và cầu mong một năm ra khơi thuận buồn xuôi gió.
Lễ hội Cầu Ngư gắn liền với tục thờ cá Ông (cá voi) của ngư dân vùng biển trên địa bàn tỉnh nói chung và ở hai xã Cà Ná, Phước Diêm nói riêng. Đây là dịp để ngư dân thể hiện sự biết ơn đối với thần Nam Hải, vị thần luôn xuất hiện đúng lúc để giúp đỡ ngư dân trong những lúc hoạn nạn trên biển và cầu mong, gửi gắm những hy vọng về một năm trời yên biển lặng, thuyền bè ra khơi thuận lợi, trở về đầy ắp cá tôm. Lễ hội còn là dịp để người dân hai xã biển Cà Ná, Phước Diêm gặp gỡ, thặt chắt tình đoàn kết gắn bó và chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau quyết tâm vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế và xây dựng quê hương đẹp giàu.
Ngọc Diệp