Bước “nhảy vọt” ấn tượng về thứ hạng trong lần công bố này đã khẳng định tầm nhìn chiến lược và sự nhất quán trong hành động của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đối với công tác CCHC.
Bước nhảy ấn tượng
Bộ tiêu chí Chỉ số PAR INDEX cấp tỉnh, thành phố được cấu trúc thành 8 lĩnh vực, 43 tiêu chí và 102 tiêu chí thành phần đánh giá một cách toàn diện từ công tác chỉ đạo, điều hành về CCHC cũng như các nội dung của Chương trình tổng thể CCHC nhà nước. Trong năm 2021, với tư duy đổi mới, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về đẩy mạnh công tác CCHC; UBND tỉnh đã ban Quyết định số 681/QĐ-UBND về Kế hoạch CCHC nhà nước tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 3941/KH-UBND về triển khai các giải pháp đột phá về Chương trình CCHC tỉnh Ninh Thuận nhằm cải thiện, phát triển bền vững Chỉ số PAPI, PAR INDEX, SIPAS của tỉnh năm 2021; cùng với quyết tâm, nỗ lực phấn đấu vươn lên của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh đã tạo hiệu ứng lan tỏa, công tác CCHC, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức đã trở thành quyết tâm chính trị của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính. Ảnh: NAT
Xác định vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, định kỳ hằng tháng, quý lãnh đạo tỉnh tiếp công dân để giải quyết kịp thời các kiến nghị, phản ánh của Nhân dân; gặp mặt doanh nghiệp để nắm bắt và tháo gỡ những vướng mắc, những kiến nghị, đề xuất về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính (TTHC), bảo đảm cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã cũng luôn đề cao vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện CCHC, đồng thời ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện CCHC 5 năm và hằng năm, nội dung bám sát chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh, thể hiện rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung CCHC, thời gian thực hiện, cơ quan chịu trách nhiệm điều hành, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và cơ quan thực hiện.Tỉnh cũng thực hiện chấm điểm chỉ số CCHC của các ban, sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, “buộc” các cơ quan công quyền phải thay đổi tư duy, hành động quyết liệt và xuyên suốt mới có thể giành thứ hạng cao. Công tác giám sát CCHC, trọng tâm cải cách TTHC cũng được thực hiện toàn diện, rộng khắp để nắm bắt kịp thời các vấn đề còn tồn tại và nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo ra địa bàn toàn tỉnh.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chỉ số PAR INDEX năm 2021 có sự cải thiện vượt bậc, đạt 86,55 điểm, xếp hạng 35/63 tỉnh, thành phố (mục tiêu tỉnh đề ra đạt từ 82,6 điểm trở lên, xếp vị thứ 45/63 tỉnh, thành phố). Nhiều lĩnh vực xếp vào nhóm đầu cả nước, như: Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh, mục tiêu phấn đấu điểm số tăng 0,75 điểm, kết quả tăng 0,91 điểm, xếp hạng 5/63; về cải cách tài chính công mục tiêu phấn đấu điểm số tăng 0,75 điểm, kết quả tăng 4,76 điểm, xếp hạng 11/63; về hiện đại hóa nền hành chính, mục tiêu phấn đấu điểm số tăng 1 điểm, kết quả tăng 2,95 điểm, xếp hạng 26/63...
Bước tiến mới về Chỉ số PAR INDEX mà tỉnh đạt được là rất vui mừng, phấn khởi, song kết quả đó vẫn chưa được như kỳ vọng. Bởi vẫn có nhiều lĩnh vực giảm so với năm 2020 do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, như: Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức xếp hạng 52/63, giảm 5 bậc; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước xếp hạng 33/63; giảm 26 bậc; cải cách TTHC xếp hạng 52/63, giảm 11 bậc so với năm 2020...
Cần quyết tâm hơn nữa
Để xây dựng một nền hành chính hiện đại phục vụ người dân, doanh nghiệp, là động lực cho tỉnh phát triển toàn diện, công tác lãnh đạo, chỉ đạo chương trình CCHC tiếp tục được ưu tiên đặt lên hàng đầu, xem đây là yếu tố quyết định sự thành bại của công cuộc cải cách. Việc thực hiện nhiệm vụ CCHC sẽ tiếp tục được triển khai đồng bộ và toàn diện theo hướng sâu sát, cụ thể, “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ thời gian hoàn thành và rõ hiệu quả”, đồng thời chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền vừa quản lý, vừa phục vụ, lấy sự hài lòng của tổ chức, công dân là thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ.
Cùng với việc xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục phân cấp, ủy quyền phê duyệt kết quả giải quyết TTHC đối với một số lĩnh vực để tạo thuận tiện, nhanh chóng nhất cho tổ chức, công dân. Các sở, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã tăng cường rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC; kiến nghị bãi bỏ những thủ tục rườm rà, phức tạp và đơn giản tối đa về hồ sơ, trình tự, thủ tục; niêm yết đầy đủ, công khai tất cả các TTHC thuộc thẩm quyền để người dân, doanh nghiệp tiện tra cứu. Việc giao, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích đến địa chỉ người nhận được đẩy mạnh thực hiện, đảm bảo đúng hạn, không thất lạc, không mất hồ sơ. Việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến độ 3 và 4 cũng được khuyến khích, tạo sự công khai, minh bạch khi giải quyết TTHC. Đặc biệt, để đánh giá một cách khách quan nhất chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, các sở, ngành và các địa phương tiếp tục triển khai đa dạng nhiều cách thức như phát phiếu khảo sát để tổ chức, công dân đánh giá mức độ hài lòng qua hòm thư góp ý, công khai số điện thoại đường dây nóng, qua địa chỉ Cổng dịch vụ công tỉnh. Tỉnh sẽ tiếp tục tạo môi trường tốt nhất để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, rèn luyện, được cống hiến; đổi mới mạnh mẽ các khâu trong công tác cán bộ và siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính để mỗi cán bộ, công chức, viên chức thực sự liêm chính, tận tụy phục vụ Nhân dân. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng đồng bộ để hiện đại hóa nền hành chính, tạo bước đột phá mới trong thời gian tới.
Xuân Bính