Hoạt động khuyến công góp phần tăng nguồn lực trong sản xuất công nghiệp

Từ những hoạt động hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Những năm qua, nội dung hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh cụ thể, phù hợp với nhu cầu, khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, cơ sở sản xuất. Các đề án khuyến công đã góp phần tăng thêm nguồn lực để các DN đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng và năng suất sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm nông sản trên thị trường. Bên cạnh việc đồng hành cùng các DN, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị cho các DN, hợp tác xã và các hộ kinh doanh cá thể, hoạt động khuyến công còn chú trọng tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho các cơ sở CN nông thôn trên địa bàn tỉnh, qua đó trang bị những kiến thức cần thiết trong việc hoạch định chiến lược kinh doanh, phân tích thị trường và quản trị, xây dựng thương hiệu sản phẩm, giúp các cơ sở CN nông thôn nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Điển hình là Công Ty TNHH Long Sơn - BLB, với công suất điều thô 10.920 tấn/năm, giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động địa phương. Trước đây, do thiếu dàn máy cắt tách vỏ điều, nên không tăng công suất được, người lao động thu nhập thấp, đồng thời không chủ động trong kế hoạch sản xuất. Năm 2021, qua chương trình khuyến công địa phương, Công ty được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh hỗ trợ trang bị máy cắt tách vỏ điều, với kinh phí 300 triệu đồng. Sau khi đưa vào vận hành, hệ thống máy móc, thiết bị hoạt động hiệu quả, giúp DN cải thiện công suất, tăng thêm khoảng 4,5 tấn/ngày, thu nhập của người lao động được tăng cao, Công ty chủ động kế hoạch sản xuất và sản lượng hàng hóa xuất khẩu, đa dạng được nhiều mặt hàng khi xuất khẩu góp phần tăng công suất và tăng thu nhập cho người lao động.

Công ty Giống cây trồng Đông Nam được hỗ trợ máy tự động hóa trong khâu chế biến sấy giống.

Ông Phạm Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh, cho biết: Triển khai thực hiện các đề án khuyến công địa phương năm 2022, Trung tâm triển khai 6 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất, chế biến và gia công, với tổng kinh phí là 810 triệu đồng, gồm: Gỗ, nho sấy, nông sản, đá granite. Đồng thời, tiến hành cập nhập thông tin để xây dựng kế hoạch triển khai 2 đề án: Tổ chức tham gia giới thiệu quảng bá sản phẩm CN nông thôn tiêu biểu, làng nghề và các ngành nghề đang định hướng phát triển của tỉnh tại Hội chợ triển lãm hàng CN nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2022 và Đề án hỗ trợ các cơ sở CN nông thôn tham gia hội chợ tại các tỉnh, thành phố. Những năm qua, có những đề án, mô hình khuyến công mới mang lại hiệu quả KT-XH cao, có tác động nhân rộng cho các đơn vị khác. Hiệu quả rõ nhất của hoạt động khuyến công chính là tạo động lực, khuyến khích, động viên các DN, cơ sở đầu tư, ứng dụng đổi mới máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. Bên cạnh đó, nhận thức của các cấp, các ngành, DN, cơ sở về vai trò của hoạt động khuyến công ngày càng được nâng cao, qua đó đã chủ động tìm đến với khuyến công.

Cũng là đơn vị được thụ hưởng trong chương trình khuyến công, Công ty Giống cây trồng Đông Nam được thành lập từ 2009, với tổng diện tích 3 ha, sản lượng chế biến hằng năm khoảng 10.000 tấn giống và 700 tấn bắp; thời điểm vào thời vụ Công ty có khoảng 150 lao động. Ông Nguyễn Lâm Danh, Tổng Giám đốc Công ty, cho biết: Qua công tác khuyến công của tỉnh, Công ty được hỗ trợ máy tự động hóa trong khâu chế biến sấy giống. Đặc điểm sản xuất sản phẩm của Công ty là nông sản tươi nên sau khi thu về là phải chế biến ngay. Khi đầu tư hệ thống tự động hóa thì sản phẩm được giải quyết kịp thời, đảm bảo chất lượng giống, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, giảm được 70% lao động, đặc biệt từ chương trình khuyến công đã khuyến khích DN thúc đẩy sản xuất, đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đây chỉ là hai trong rất nhiều DN, cơ sở, hợp tác xã được hỗ trợ ứng dụng máy móc, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất từ các đề án khuyến công của tỉnh. Từ việc đổi mới công nghệ và máy móc hiện đại, các DN, cơ sở sản xuất nhanh chóng thích ứng, tồn tại, phát triển trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay.

Để tiếp tục là động lực giúp các cơ sở CN phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương, thời gian tới Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh tiếp tục tập trung hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao khoa học - công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất cho các DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh.