Căn cứ điều kiện thời tiết và lượng nước tích trữ tại các hồ đập trên địa bàn huyện, vụ hè - thu năm nay, huyện Ninh Phước dự kiến xuống giống khoảng 8.490 ha; trong đó, cây lúa 4.424 ha; cây bắp 747 ha; rau, đậu, cây gia vị các loại 1.588 ha; cỏ chăn nuôi 435 ha. Đồng thời, tiếp tục duy trì 11 cánh đồng lớn sản xuất lúa diện tích hơn 2.156 ha và 2 cánh đồng lớn măng tây xanh diện tích 56,65 ha. Ông Nguyễn Đức Thuận, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Phước cho biết: Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết hợp với thực tế tại địa phương, sau khi người dân thu hoạch xong vụ đông - xuân 2021-2022, huyện đã chỉ đạo cho các xã, thị trấn triển khai kế hoạch, khung lịch sản xuất vụ hè - thu đến nông dân trên địa bàn. Theo đó, khu vực sản xuất lúa thuộc hệ thống kênh chính Nam gieo sạ từ ngày 20-5 đến 10-6; khu vực sản xuất lúa thuộc hệ thống các hồ chưa trên địa bàn gieo sạ từ ngày 20-4 đến 15-5. Đối với các loại cây trồng khác, tùy thuộc vào điều kiện từng vùng để xuống giống phù hợp.
Hồ Lanh Ra (Ninh Phước) phục vụ nước tưới sản xuất lúa và còn cung cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân, phát triển chăn nuôi gia súc. Ảnh: V.Miên
Để góp phần tăng hiệu quả kinh tế trên vùng đất canh tác, ngành Nông nghiệp huyện cũng đã khuyến cáo nông dân chọn các loại giống có khả năng chống chịu tốt với thời tiết nắng nóng và sâu bệnh. Cụ thể, đối với cây lúa, sử dụng các giống xác nhận, giống có năng suất cao, có khả năng chống chịu được sâu bệnh hoặc ít bị nhiễm rầy nâu, vàng lùn xoắn lá, dễ chăm sóc, chất lượng tốt, như: Đài Thơm 8, ML202, TH6, TH41...; các giống bắp NK66, NK67, VN8960; giống đậu xanh HL89-E3, HL28, ĐX 208 và một số giống đậu cao sản. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc cây trồng để tăng hiệu quả trong sản xuất, UBND huyện chỉ đạo ngành Nông nghiệp phối hợp với các xã, thị trấn hướng dẫn nông dân thực hiện mô hình “1 phải, 5 giảm”, áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh tổng hợp (IPM); sử dụng phân bón hợp lý, hiệu quả nhằm giảm chi phí đầu tư. Đồng thời, giao Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Thủy nông huyện phối hợp với các xã, thị trấn thực hiện chặt chẽ khâu dự báo tình hình sâu bệnh trên cây trồng ngay từ đầu vụ, hướng dẫn và thông báo kịp thời cho nông dân xử lý và bảo vệ hiệu quả. Thực hiện tốt việc điều tiết nước hợp lý, xây dựng kế hoạch tưới luân phiên giữa các kênh trong hệ thống, đảm bảo toàn bộ diện tích gieo trồng phải đủ nước trong suốt mùa vụ.
Ngoài việc đảm bảo tiến độ gieo trồng, huyện cũng chủ động rà soát những diện tích đất lúa, đất màu không đảm bảo nguồn nước tưới và căn cứ vào tình hình cụ thể của các địa phương để chuyển đổi cây trồng ngắn ngày và dài ngày, với diện tích 20 ha.
Với việc triển khai sản xuất linh hoạt, tin rằng huyện Ninh Phước sẽ thu được thắng lợi và đạt kết quả cao về năng suất, sản lượng trong vụ hè - thu năm nay.
Tiến Mạnh