Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Công ty Điện lực tỉnh hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn: Cơ sở vật chất thiếu thốn, nơi ăn nghỉ, chỗ làm việc còn tạm bợ, lưới điện xuống cấp; cơ cấu tổ chức sản xuất, kinh doanh của Công ty lúc đó chỉ có 4 phòng chuyên môn, 1 chi nhánh điện trực thuộc và 1 đội quản lý đường dây với tổng số 125 CBCNV. Toàn tỉnh chỉ mới có 1 trạm biến áp 110 kV với dung lượng 25 MVA. Lưới điện do Công ty quản lý lúc này chỉ khoảng 207 km đường dây trung thế, 84 km đường dây hạ thế, 160 trạm biến áp phân phối với tổng dung lượng 18,5 MVA và 6.563 khách hàng; lưới điện hầu như chỉ tập trung ở thị xã, trung tâm các huyện và một số hợp tác xã nông nghiệp; có 59,3% số xã có điện, 38,1% số thôn có điện, 28,2% số hộ có điện; lưới điện sự cố nhiều, điện áp không đảm bảo, tổn thất điện năng (TTĐN) cao 9,48%; sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh là 26,9 triệu kWh...
Nhân viên Điên lực Ninh Thuận vận hành hệ thống điện. Ảnh: V.Miên
Nắm bắt được tình hình và yêu cầu cấp bách trước mắt cũng như lâu dài, tập thể lãnh đạo cùng toàn thể CBCNV Công ty đã xác định nhiệm vụ là phải nhanh chóng củng cố tổ chức bộ máy, tập trung thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là mở rộng mạng lưới điện phân phối đến các địa bàn chưa có điện để tạo điều kiện phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống Nhân dân. Song song với việc đầu tư các trạm biến áp trung gian 110 kV trên địa bàn các huyện, lưới điện phân phối cũng được chú trọng đầu tư từ nhiều nguồn vốn nhanh chóng phát triển về khắp các vùng sâu, vùng xa. Đến cuối năm 2003 toàn tỉnh đã có 100% xã, phường có điện lưới quốc gia và cuối năm 2005 đã có 100% số thôn trong tỉnh có điện lưới quốc gia.
Nhờ thực hiện tốt công tác đầu tư, cải tạo và mở rộng lưới điện, đến cuối năm 2021, Công ty Điện lực Ninh Thuận đã phát triển hơn 190 km đường dây 110 kV và 5 trạm biến áp 110 kV với tổng dung lượng là 255 MVA; lưới điện phân phối với hơn 1.075,6 km đường dây trung áp trải đều khắp tỉnh và đi qua các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, làng nghề, … sẵn sàng cấp điện khi có nhu cầu. Hơn 1.170,7 km đường dây hạ áp và 1.721 trạm biến áp với tổng dung lượng hơn 264,7 MVA, cấp điện cho 190.309 khách hàng; số hộ có điện trong toàn tỉnh là 185.420/185.420 đạt 100%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện là 118.482/118.482 đạt 100%, đây là tỷ lệ cao so với cả nước.
Qua 30 năm phát triển, điện thương phẩm tăng trưởng mạnh và công tác giảm TTĐN đạt kết quả đáng khích lệ. Đến năm 2021, điện thương phẩm thực hiện là 732,8 triệu kWh, tăng 27,2 lần so với năm 1992, TTĐN giảm xuống còn khoảng 2,18%; độ tin cậy cung cấp điện, chỉ số tiếp cận điện năng như: Số lần sự cố lưới điện, thời gian cắt điện, mất điện do sự cố, sửa chữa lưới điện và thời gian giải quyết yêu cầu cung cấp điện của khách hằng năm sau tốt hơn năm trước và đạt vượt, chỉ tiêu kế hoạch cấp trên giao. Đây là kết quả của sự nỗ lực không ngừng trong việc thực hiện các giải pháp kỹ thuật và quản lý lưới điện một cách đồng bộ của Công ty.
Nhân viên Điện lực Thuận Nam kiểm tra an toàn vệ sinh
lao động và phòng, chống cháy nổ. Ảnh: T.Mạnh
Hằng năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc và Ban Thường vụ Công đoàn Công ty đều phát động các phong trào thi đua nhằm động viên CBCNV phấn đấu hoàn thành mục tiêu, kế hoạch được giao. Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất luôn được Ban Giám đốc và các tổ chức đoàn thể Công ty quan tâm nên đã đem lại những kết quả đáng khích lệ. Phong trào thi đua sản xuất đảm bảo an toàn lao động là công tác thường xuyên tại các đơn vị. Công tác cung cấp điện an toàn chất lượng ngày càng được nâng cao. Hoạt động dịch vụ kinh doanh điện năng được quan tâm cải tiến, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng. Bên cạnh đó, Công ty cũng tập trung xây dựng nguồn nhân lực và văn hóa doanh nghiệp để phấn đấu đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty ngày càng phát triển bền vững và là doanh nghiệp mạnh của tỉnh nhà trong những năm tới.
Với thành tích đạt được, Công ty Điện lực Ninh Thuận đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều cờ thi đua, bằng khen của các bộ, UBND tỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Điện lực Miền Nam.
Sự tăng trưởng các chỉ tiêu về phát triển nguồn lưới điện, sản lượng điện thương phẩm, tỷ lệ hộ dùng điện... không chỉ cho thấy sự vươn rộng, tiến dài vững chắc của Công ty mà còn khẳng định vai trò quan trọng của đơn vị đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương và góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng tỉnh Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước.
Hồng Nguyệt