Nhìn lại chặng đường 30 năm thực hiện chiến lược phát triển thủy lợi, trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình hồ chứa, đập ngăn nước, hệ thống kênh mương được xây dựng. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2021, thực hiện khâu đột phá về đầu tư hạ tầng thủy lợi theo nội dung Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11-11-2016 của Tỉnh ủy về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, UBND tỉnh đã tập trung đầu tư nâng cấp 63 công trình thủy lợi tạo nguồn, kênh cấp II, cấp III với tổng mức đầu tư 2.330 tỷ đồng. Các địa phương đã lồng ghép các nguồn vốn đầu tư hệ thống thủy lợi nội đồng được hơn 71 km, nâng tổng số kênh mương nội đồng được kiên cố hóa lên gần 77 km, bảo đảm tưới, tiêu nước chủ động sản xuất. Việc đầu tư các công trình thủy lợi đã góp phần làm cho diện tích canh tác các loại cây trồng chủ lực được mở rộng, sản xuất nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc.
Trong điều kiện khí hậu ở tỉnh ta hầu như nắng nóng quanh năm, nhu cầu dùng nước của các ngành kinh tế, nước phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp rất lớn, đòi hỏi phải tiếp tục phát triển hệ thống thủy lợi để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, quy mô tập trung, ngày 19-9-2018, UBND tỉnh phê duyệt Dự án điều chỉnh Quy hoạch thủy lợi tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 thích ứng biến đổi khí hậu. Quy hoạch nghiên cứu toàn diện, tổng thể hệ thống cấp nước cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sinh hoạt nông thôn, thoát lũ và phòng, chống xâm nhập mặn. Đồng thời, đề xuất giải pháp kết nối liên thông bằng đường ống đưa nước từ hồ Sông Cái - đập Tân Mỹ về các khu tưới phía Bắc của tỉnh; kết nối lưu thông lưu vực hồ Cho Mo với lưu vực Suối Ngang hồ Phước Trung; lưu vực hồ Tân Giang với hồ Sông Biêu và hồ Suối Lớn nhằm điều tiết hài hòa nguồn nước giữa các vùng.
Hệ thống thủy lợi đập Tân Giang. Ảnh: V.M
Thực hiện quy hoạch với tinh thần quyết tâm cao, hiện nay trên địa bàn tỉnh có một số công trình thủy lợi cấp bách ứng phó với biến đổi khí hậu đang được khẩn trương xây dựng. Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ có tổng mức đầu tư 5.951 tỷ đồng là công trình đa mục tiêu có ý nghĩa quan trọng, có sức chứa hơn 200 triệu m3, bằng tổng các hồ chứa trên địa bàn tỉnh cộng lại. Dự án có các hợp phần chính, gồm: Đập dâng Tân Mỹ cùng hệ thống đường ống kênh có áp dài 29,6 km và Cụm công trình đầu mối hồ Sông Cái tưới và tạo nguồn cho 7.480 ha; tiếp nước hệ thống thủy nông Nha Trinh - Lâm Cấm để tưới cho 12.800 ha; tiếp nước 2,5 m3/s cho khu tưới các hồ Cho Mo, Bà Râu, Sông Trâu, Ông Kinh; 2,56 m3/s cho sinh hoạt, dịch vụ, công nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Tạo nguồn cho thủy điện tích năng Bác Ái với công suất 1.200 MW và hai nhà máy thủy điện với công suất 24 MW. Tháng 3-2021, Cụm công trình đầu mối Hồ chứa nước Sông Cái đã chặn dòng, tích nước, góp phần nâng cao năng lực tưới cho sản xuất nông nghiệp.
Cùng với đó, một số dự án thủy lợi trọng điểm của tỉnh cũng đang được triển khai xây dựng. Cụ thể, Dự án Hồ chứa nước Sông Than, xã Hòa Sơn (Ninh Sơn), với quy mô dung tích chứa hơn 85 triệu m3 nước, có tổng mức đầu tư hơn 1.040 tỷ đồng đang được đẩy nhanh tiến độ. Một số hạng mục xây lắp như: Đập đất, đập bê tông, hệ thống điện quản lý vận hành, thiết bị và các hạng mục phụ trợ phục vụ thi công có tiến độ thực hiện đạt 52,45%; hạng mục đập phụ 1, đập phụ 2, kênh thông hồ, đường quản lý công trình, đường tránh ngập lòng hồ đạt 28,17% giá trị hợp đồng; hạng mục cải tạo nâng cấp một số đoạn bị ngập cục bộ Tỉnh lộ 709 với chiều dài 470,49 m đã thi công hoàn thành đoạn 1. Công trình đưa vào sử dụng sẽ cấp nước tưới cho 4.500 ha đất canh tác, nước sinh hoạt cho 20.000 hộ dân vùng hạ lưu. Đây là công trình có ý nghĩa to lớn trong việc tạo kết cấu hạ tầng trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nhằm xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của Nhân dân trong vùng dự án, góp phần bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn, nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ, giảm lũ cho khu vực hạ lưu và tạo cảnh quan du lịch.
Dự án Hệ thống hồ chứa nước Kiền Kiền, xã Lợi Hải (Thuận Bắc) có tổng mức đầu tư trên 291 tỷ đồng cũng đang được khẩn trương xây dựng. Dự án được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ năm 2016-2022) triển khai các hạng mục: Cụm công trình Kiền Kiền, cụm công trình Lợi Hải, các công trình phụ trợ. Giai đoạn 2 (sau năm 2022) triển khai hệ thống kênh chính và kênh phụ với tổng chiều trên 3 km và các công trình phụ trợ khác. Đối với cụm công trình Kiền Kiền, nhà thầu đang tiến hành xây dựng đập dâng tạo nguồn với chiều dài đập trên hơn 121; tràn xả lũ; cống lấy nước; cống dẫn dòng kết hợp với xả cát và kênh chuyển nước. Riêng cụm công trình Lợi Hải xây dựng các hạng mục: Đập đất, tràn xả lũ, cống lấy nước và các công trình phụ trợ. Dự án Hệ thống hồ chứa nước Kiền Kiền khi đưa vào sử dụng, ngoài việc khai thác hiệu quả nguồn nước từ suối Kiền Kiền đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của địa phương, còn góp phần cải tạo môi trường sinh thái khu vực Núi Chúa.
Tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển thủy lợi trên vùng đất nắng, ngay đầu năm 2022, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương phối hợp với các bộ, ngành Trung ương hoàn thành đầu tư Dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ; đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án Hồ chứa nước Sông Than, Hồ chứa nước Kiền Kiền; hoàn tất các thủ tục đầu tư để triển khai thực hiện các dự án liên thông các hồ chứa nước phục vụ phát triển nông nghiệp.
Qua 30 năm thực hiện chiến lược phát triển thủy lợi thu được nhiều thành tựu đáng tự hào. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 22 hồ chứa nước được đưa vào hoạt động với dung tích thiết kế 414,29 triệu m3 đảm bảo năng lực tưới đạt 60% diện tích đất nông nghiệp. Kết quả trong chỉ đạo thực hiện công tác tạo nguồn nước của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong thời gian qua đã phục vụ đắc lực cho định hướng phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, như: Nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, nuôi trồng thủy sản, du lịch.
Anh Tùng