Hành trình chinh phục đỉnh Núi Chúa

Ngày 15-9-2021, tại Nigeria Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc - UNESCO đã công nhận Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa Ninh Thuận là Khu dự trữ sinh quyển Thế giới. Đến đây du khách không những được trải nghiệm phong cảnh có thác, biển, núi rừng, động - thực vật phong phú và đa dạng mà còn được chinh phục đỉnh Núi Chúa cao hùng vĩ.

Kể từ khi được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, hoạt động du lịch tại Vườn quốc gia (VQG) Núi Chúa được du khách trong nước và quốc tế biết đến nhiều hơn. Trong đó, có hoạt động trekking, thu hút nhiều du khách yêu thích leo núi. Núi Chúa trong tiếng bản địa người Raglai gọi là Cek Praong hoặc Cek Glaong. Nghĩa là đỉnh núi lớn nhất, đỉnh núi cao nhất, với độ cao 1.039 m.

Chinh phục đỉnh Núi chúa.

Tôi đã có những trải nghiệm thú vị chinh phục đỉnh Núi Chúa cùng nhóm bạn đến từ TP. Hồ Chí Minh và Đà Lạt (Lâm Đồng). Họ là những người thích phiêu lưu và mạo hiểm, ai cũng đã từng chinh phục đỉnh núi Fansipan với độ cao 3.143 m, được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương. Nhưng đến với Núi Chúa Ninh Thuận, vẫn cho họ những sự ngạc nhiên và thích thú. Đến VQG Núi Chúa, tôi hướng dẫn cho các bạn tham quan một số điểm như khu bảo tồn và cứu hộ rùa biển, lang thang trên bãi đá san hô cổ để cùng nhìn, ngắm những đợt sóng biển dâng trào tạo thành những bọt nước trắng bắn vào bờ. Tiếng sóng biển cứ ồn ào, xô từng con nước đập vào những phiến đá tạo thành hình thù lồi lõm. Du khách thích thú với việc đi bộ trên chiếc cầu gỗ được kết từ những tấm ván nối liền nhau để vượt qua những chỏm đá với nhiều hình thù kỳ thú. Và dĩ nhiên, chúng tôi không thể bỏ qua việc selfile những khoảnh khắc đẹp bất chợt.

Từ tờ mờ sáng, nghe tiếng gà rừng gáy báo hiệu một ngày mới lại đến, chúng tôi thức dậy chuẩn bị hành trang trekking chinh phục đỉnh Núi Chúa hùng vĩ. Trước khi vào rừng, chúng tôi được các nhân viên hướng dẫn khái quát về động vật, thực vật và sinh vật biển đang được bảo tồn và bảo vệ đặc biệt tại VQG Núi Chúa, hình dung được về các chặng đường đi bộ trên sa bàn cùng các điểm dừng chân, nghỉ ngơi trong rừng.

Điểm dừng chân trên hành trình khám phá Núi Chúa.

Vào rừng bằng một chiếc xe vận tải hàng hóa mà người dân địa phương thường gọi là xe Hoa Lâm. Những người bạn đến từ thành phố rất thích thú với phương tiện di chuyển này. Họ cùng nhau thả mình vào từng cơn gió biển và rừng núi, đi qua làng người Raglai, đến một hồ nước ngọt lớn chúng tôi đã tiếp cận bìa rừng, xuống xe Hoa Lâm, mỗi người một hành trang mang theo là chai nước ngọt, đồ dùng cá nhân và “chiếc gậy Trường Sơn”. Trong nhóm chúng tôi, có anh Đoàn Nghiệp đến từ TP. Hồ Chí Minh là người lớn tuổi nhất thuộc thế hệ 5X và bạn trẻ tuổi nhất thuộc thế hệ 9X đến từ Tp. Đà Lạt. Qua một đoạn đường rừng, đoàn trekking bắt đầu bước đi trên những bậc cấp từ thấp đến cao dần theo từng nấc thang. Khi cảm thấy mệt, những giọt mồ hôi đã ướt đậm trên áo và lăn tròn trên mi mắt, mọi người dừng bước nghỉ ngơi. Ngồi nghe tiếng chim rừng kêu, hái những quả cây rừng thưởng thức.

Trekking được nửa ngày đường, chúng tôi chọn điểm dừng chân tại một con suối, có nhiều bóng mát để nấu cơm trưa. Không khí trong rừng mát mẻ, tạo cảm giác sảng khoái, từng bước chân di chuyển qua nhiều địa hình dốc, bụi rậm, bụi gai, cây cỏ che phủ chỉ cách vài bước chân là khuất bóng người. Cuối cùng, đoàn leo núi của chúng tôi đã chạm được cột mốc đỉnh Núi Chúa. Trên đường đi, nhóm chúng tôi may mắn bắt gặp một đàn voọc, khỉ đang di chuyển trên những cành cây cao. Anh Út Nhỏ, tên thân thương mà chúng tôi gọi người hướng dẫn kể rằng: Nếu con voọc nào chẳng may chuyền cành rớt xuống đất, thì con đầu đàn sẽ cho rời đàn.

Băng qua thảm cỏ ở Núi Chúa. Ảnh: ST

Trời chạng vạng, chúng tôi đến điểm dừng chân để cắm lều ngủ qua đêm. Mọi người, tự tìm cho mình một công việc như dựng lều, kiếm củi, nấu nước, chế biến buổi ăn tối. Giữa khu rừng hoang vắng, chỉ có ánh trăng mờ chiếu sáng, ngồi ăn cơm, uống trà, cà phê và trò chuyện cùng ngọn đèn pin treo trên ngọn cây. Bên cạnh là bếp lửa đang cháy sưởi ấm, tiếng côn trùng, ếch nhái và chim muông càng thêm ồn ào khi trời về khuya.

Một đêm ngủ trong rừng đủ để phục hồi sức lực và hết mỏi chân. Chúng tôi, nhổ lều trại sau khi buổi ăn sáng kết thúc. Mùa chúng tôi đi những cây sim rừng nở tím đồi hoang. Đến bây giờ, tôi mới được tận mắt nhìn màu tím hoa sim. Đứng trên tảng đá cao nhìn về phía Đông là biển xanh hiện ra trước mắt. Hành trình chinh phục đỉnh Núi Chúa dừng lại tại cây cầu treo, chúng tôi đón xe taxi trở lại Tp. Phan Rang - Tháp Chàm và hẹn một ngày gần nhất sẽ sớm trở lại in dấu chân trên đỉnh Núi Chúa - Cek Praong ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Ninh Thuận.