Tháng Tư về thăm Vạn Phước

Những ngày tháng Tư lịch sử, dọc hai bên con đường bê tông dẫn vào khu di tích lịch sử cấp quốc gia đình làng Vạn Phước, xã Phước Thuận (Ninh Phước) được trang hoàng cờ đỏ sao vàng rực rỡ. Trên gương mặt những người dân nơi đây ánh lên niềm tự hào trong các hoạt động lao động sản xuất, học tập, công tác và trong các hoạt động kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh (1/4/1992- 1/4/2022), 47 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận (16/4/1975- 16/4/2022). Với sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, quê hương người chiến sĩ cộng sản kiên trung Trần Thi đang đổi thay từng ngày.

Vùng quê cách mạng

Làng Vạn Phước (nay là thôn Vạn Phước) những ngày tháng Tư được phủ vàng bởi nắng hè rực rỡ, những cánh đồng đang vào mùa gặt và màu sao vàng trên những lá quốc kỳ. Dưới sân đình, ông Lê Minh Hiển, một bậc cao niên trong làng, thành viên Ban Bảo tồn khu di tích đình làng Vạn Phước say sưa kể cho lớp trẻ nghe về lịch sử của làng, về lòng yêu nước và truyền thống cách mạng của quê hương. Những câu chuyện này, ông đã kể đi kể lại không biết bao nhiêu lần, trong suốt 30 năm qua, kể từ ngày ông gắn bó với ngôi đình. Trong số những câu chuyện ông kể, câu chuyện về đồng chí Trần Thi, vị đại biểu Quốc hội khóa I, người con ưu tú của quê hương, người đã vận động thanh niên địa phương lập ra “Hội đồng ước”, một trong những tổ chức thanh niên yêu nước đầu tiên được thành lập tại tỉnh ta được ông kể tỉ mỉ, hào hứng hơn cả.

Ban Bảo tồn khu di tích đình làng Vạn Phước ôn lại truyền thống cách mạng của quê hương cho thế hệ trẻ.

Trong khu tưởng niệm đồng chí Trần Thi, ông Hiển đưa chúng tôi đến thăm một không gian linh thiêng khác: Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và 49 người dân vô tội bị giết hại trong sự kiện thảm sát làng Vạn Phước năm 1946. Ông kể: Vào ngày 24-7-1946, tại đình làng Vạn Phước, trước sự nổi dậy diệt ác, phá tề, giành chính quyền của nhân dân buộc thực dân Pháp kéo quân đến bao vây, khủng bố làng Vạn Phước, cướp của và giết hại 49 người dân vô tội, hàng trăm người bị thương, hơn 30 ngôi nhà đã bị đốt cháy. Sự kiện lịch sử ấy để lại nỗi đau thương vô hạn cho đồng bào và thân nhân những người đã khuất, nhưng cũng là minh chứng khẳng định tinh thần đấu tranh cách mạng kiên trung của những người con Vạn Phước, một ngôi làng nhỏ nhưng đã có đến 19 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 70 liệt sĩ, 5 thương binh và rất nhiều thanh niên xung phong hiến dâng cuộc đời cho Tổ quốc.

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Trở lại Vạn Phước hôm nay, những mảnh vỡ của bom đạn dường như đã vùi sâu dưới hàng tầng đất ruộng. Ký ức về một thời chiến tranh oanh liệt đầy máu và nước mắt như đã lùi xa. Trong tâm khảm của những thế hệ đi sau, tinh thần cách mạng ở Vạn Phước là cả một niềm tự hào, là điểm tựa giúp mỗi người con Vạn Phước tiếp tục đoàn kết, thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương giàu mạnh, xứng danh với tên gọi “chiếc nôi cách mạng” năm xưa.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, mà cụ thể là hưởng lợi từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), Vạn Phước hôm nay đã được đầu tư đồng bộ nhiều công trình thiết yếu phục vụ dân sinh, tạo điều kiện để người dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Từng là vùng khó khăn, Vạn Phước của hiện tại đang được bao phủ bởi một màu xanh của các loại cây trồng có giá trị kinh tế; những mô hình sản xuất hiệu quả, trang trại, gia trại được hình thành; 100% đường nội thôn, liên thôn được bê tông; 100% hộ dân được sử dụng điện; không còn nhà tạm, nhà dột nát; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,5%; thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng/người/ năm, trở thành một trong những địa phương đầu tiên hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM và NTM nâng cao của xã Phước Thuận.

Bia ghi công các anh hùng đã hy sinh. Ảnh: P.Bình

Đồng chí Trương Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận phấn khởi chia sẻ: Là một xã thuần nông, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên con đường đến với danh hiệu xã đạt chuẩn NTM nâng cao là cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực trong toàn xã. Mà cụ thể là đồng thuận từ trong nội bộ Đảng, sự đoàn kết, ý thức trách nhiệm của người dân xã Phước Thuận, trong đó điển hình là người dân thôn Vạn Phước. Khi phát động chương trình xây dựng NTM, phát huy truyền thống quê hương cách mạng từ bao đời nay, người dân Vạn Phước đã hồ hởi tham gia. Nhà nào có đất nằm trong quy hoạch xây dựng các công trình, dưới 100 m2 đều tự nguyện đóng góp.

Vạn Phước, ngôi làng giàu truyền thống cách mạng đang vươn mình mạnh mẽ, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế, xây dựng NTM. Thế hệ con cháu của những thanh niên, nông dân khởi nghĩa giành chính quyền ngày ấy đang nỗ lực học tập, lao động sản xuất, góp sức xây dựng quê hương thanh bình, giàu đẹp.