Về thăm quê hương các anh hùng lực lượng vũ trang

Giữa những ngày kỷ niệm tháng Tư lịch sử, chúng tôi về thăm Phước Trung (Bác Ái) vùng đất anh hùng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Cán bộ và Nhân dân địa phương kiên trung một lòng theo Đảng, Bác Hồ làm cách mạng đến ngày toàn thắng.

Sau mùa Xuân 1975, đồng bào từ vùng căn cứ kháng chiến xuống đất bằng định canh, định cư đoàn kết chung tay xây dựng cuộc sống no ấm. Diện mạo nông thôn vùng cao Phước Trung khởi sắc đánh dấu bước phát triển mới đáng tự hào sau 47 năm đất nước thanh bình; 30 năm tỉnh nhà tái lập. Phước Trung tự hào là quê hương của các Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) Pinăng Thạnh và Chamaléa Châu.

Những người con Anh hùng

Về thăm Phước Trung, chúng tôi nhớ hình ảnh “ông già” dáng người nhỏ nhắn, mái tóc trắng như mây thường ngày đi trên con đường làng khang trang, bây giờ chỉ còn là nỗi nhớ sâu lắng trong tình cảm của cán bộ và Nhân dân. Ông là Anh hùng LLVT Pinăng Thạnh, thời trai trẻ đã lập nhiều chiến công hiển hách trên vùng chiến khu Bác Ái. Ngay từ những năm đầu đánh Mỹ, thực hiện chủ trương của Đảng, ông và các đội viên dân quân kiên trì tuyên truyền, vận động đồng bào sống trong khu tập trung Đồng Dày trở về với núi rừng. Qua lời kể của ông, còn nhớ tối ngày 10-12-1960, LLVT huyện Bác Ái phối hợp dân quân xã Phước Trung tập kích đơn vị địch bảo vệ khu tập trung Đồng Dày. Đồng thời giải phóng gần 2.000 người dân thuộc các xã Phước Trung, Phước Kháng thoát khỏi trại tập trung, trở lại núi rừng làm ăn sinh sống, tạo chỗ dựa vững chắc cho lực lượng cách mạng. Từ năm 1966, với cương vị Chỉ huy Huyện đội Bác Ái Đông, ông chỉ đạo LLVT nhiều lần đột kích sân bay Thành Sơn làm tiêu hao khí tài, vật lực của không quân Mỹ. Trên nẻo đường sông pha trận mạc của người lính Cụ Hồ, Pinăng Thạnh dũng cảm tham gia đánh địch trên chiến trường Bình Thuận, Phước Long. Ngày 20-12-1969, Pinăng Thạnh người con ưu tú của xã Phước Trung vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Hồ Thành Sơn ở Phước Trung (Bác Ái)
tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: V.Nỷ

Nằm cách sân bay quân sự Thành Sơn khoảng 5 cây số đường chim bay, xã Phước Trung là địa điểm đánh phá của lực lượng không quân Mỹ. Lực lượng dân quân nghiên cứu “đường bay” của các loại phi cơ đều cất cánh từ Thành Sơn qua đỉnh núi Nhọn lượn tới núi Rã rồi bay lên ném bom xuống vùng căn cứ Bác Ái. Nắm chắc được đường đi lối về của nó, ông Chamaléa Châu động viên dân quân xã Phước Trung quyết tâm “bám” đường bay địch mà bắn. Trong hai năm 1966-1967, anh em dùng súng trường bắn hạ 25 chiếc máy bay Mỹ. Riêng Xã đội trưởng Chamaléa Châu đã bắn rơi 7 chiếc. Ngày 20-12-1994, Chamaléa Châu vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT. Chúng tôi nhiều lần đến thăm Anh hùng Chamaléa Châu và nghe ông về kỷ niệm lần đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ trên chiến trường xã Phước Trung. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là ngày 9-7-1967, Mỹ dùng pháo cà - nông bắn cấp tập vào xã Phước Trung. Sau đó, chúng đưa 4.000 quân đổ bộ vào Dốc Mong, Da É, Láng Tranh tạo thành gọng kềm ba mũi với ý định tiêu diệt hoàn toàn quân dân vùng kháng chiến Phước Trung. Với vai trò Bí thư Chi bộ xã, ông trực tiếp chỉ huy lực lượng dân quân khẩn tốc vượt qua mưa bom lửa đạn, đưa 500 người dân địa phương vào trú ẩn trong hang núi Hamaca rồi sơ tán đến xã Phước Chiến an toàn.

Quê hương anh hùng

Tự hào với truyền thống cách mạng của quê hương anh hùng, đồng bào xã Phước Trung quyết tâm đánh thắng giặc đói và giặc dốt vươn lên xây dựng đời sống nông thôn miền núi ấm no. Đội ngũ đảng viên gương mẫu đưa nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 vào thực tiễn cuộc sống, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, bảo đảm giảm nghèo nhanh và bền vững. Gặp lại ông Kator Văn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phước Trung, tay bắt mặt mừng, ông phấn khởi chia sẻ niềm vui: Đời sống của bà con Phước Trung bây giờ khác trước nhiều lắm rồi. Bà con được ở trong nhà xây khang trang, sạch đẹp. Con cháu được học hành lên tới đại học. Xóm làng có điện, có nước sạch sinh hoạt. Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng điện, đường, trường, trạm y tế, hồ chứa nước, đưa nông thôn miền núi vươn lên phấn đấu rút khoảng cách với miền xuôi. Bà con xã Phước Trung vui mừng với những đổi thay của quê hương sau 47 năm thống nhất đất nước và 30 năm tái lập tỉnh Ninh Thuận.

Nông dân xã Phước Trung trồng đậu xanh giống mới cho giá trị kinh tế cao.

Thời trai trẻ, ông Kator Văn tình nguyện vào bộ đội tham gia đánh Mỹ trên chiến trường Bác Ái. Sau khi đất nước hòa bình đến đầu năm 1976, phục viên trở về quê hương xây dựng gia đình. Ông được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân tin tưởng giao phó nhiều chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị cơ sở như Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch HĐND xã, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phước Trung. Ở cương vị công tác nào, ông cũng phấn đấu hoàn thành tốt nhất trách nhiệm của người cán bộ được cấp trên và Nhân dân tin tưởng giao phó. Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, ông cần mẫn chăm lo sản xuất cùng đồng bào Raglai thôn Rã Trên khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục đời sống kinh tế. Cần mẫn thi đua lao động sản xuất nâng cao đời sống gia đình và nuôi dạy con cái học hành trở thành đội ngũ cán bộ tham gia xây dựng quê hương Phước Trung ngày càng khởi sắc.

Ôn lại truyền thống đánh giặc của quân dân xã Phước Trung, ông Kator Văn cho biết: Phước Trung có núi cao bao bọc ba bên, bốn hướng nên địa hình vô cùng hiểm trở, gần sân bay quân sự Thành Sơn của Mỹ. Đồng bào Phước Trung một lòng một dạ tin yêu Bác Hồ theo Đảng làm cách mạng. Nhiều gia đình có 2-3 thế hệ tham gia đánh Pháp, chống Mỹ xâm lược. Tính đến năm 1975, Phước Trung có 46 người con ưu tú anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Các anh hùng Pinăng Thạnh, Chamaléa Châu đã trở về đất mẹ nhưng tên tuổi các anh được các thế hệ người dân tưởng nhớ, biết ơn!

Trở lại Phước Trung, chúng tôi gặp người dân địa phương vai mang gùi lùa đàn bò vàng, đàn dê, cừu ra chăn thả trên những dãi núi ven làng. Thôn xóm sáng bừng màu ngói mới đỏ tươi trong nắng sớm. Trao đổi với anh Đạo Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Trung, chúng tôi được biết Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ giúp người dân phát triển sản xuất, kinh doanh vươn lên giảm nghèo bền vững. Bà con ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác cây lúa vụ đông - xuân năm nay với diện tích trên 200 ha chủ động tưới từ hệ thống thủy lợi hồ Phước Trung, hồ Phước Nhơn sinh trưởng tốt có khả năng cho năng suất 45-50 tạ/ha. Tính riêng trong năm 2021 vừa qua, nông dân địa phương gieo trồng hai vụ lúa với diện tích 345 ha và 200 ha bắp, sản lượng đạt trên 1.500 tấn bảo đảm nguồn lương thực cho 669 hộ với 2.774 nhân khẩu. Nông dân chủ động tích lũy vốn đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc có sừng với đàn trâu, bò hiện có 3.947 con và 11.823 con dê, cừu, bình quân mỗi hộ chăn nuôi 20 con gia súc có sừng. Các nông hộ làm kinh tế giỏi tiêu biểu của địa phương như Tàin Ró, Sằn Quang Dưỡng, Chamaléa Hơ...

Phát triển chăn nuôi gia súc có sừng là thế mạnh kinh tế của nông dân
xã Phước Trung.

Đời sống kinh tế gia đình phát triển, các bậc phụ huynh chăm lo nuôi con ăn học chu đáo. Nhiều cháu tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp nghề trở về tham gia giảng dạy, công tác tại địa phương. Chia tay xã vùng cao Phước Trung trong buổi chiều thanh bình. Từng đàn bò vàng mượt rời núi về chuồng reo vang tiếng mõ. Chúng tôi nhớ lời bộc bạch thân tình của đồng chí Chamaléa Thị Lánh, Bí thư Đảng ủy xã Phước Trung: Mục tiêu của cấp ủy và chính quyền xã Phước Trung giai đoạn 2020-2025 là tập trung đầu tư đưa đời sống Nhân dân phát triển nhanh và bền vững. Chú trọng đầu tư kỹ thuật chuyển dịch cơ cấu cây trồng đạt giá trị kinh tế cao. Phát triển chăn nuôi gia súc có sừng theo hướng chuyên thịt hàng hóa đạt hiệu quả kinh tế. Phấn đấu đến năm 2025 giảm hộ nghèo xuống dưới 20%. Chăm lo động viên thanh thiếu niên tích cực học tập có trình độ học vấn cao trở về tham gia xây dựng địa phương phát triển giàu mạnh xứng đáng với truyền thống cách mạng của quê hương các anh hùng LLVT.