Quyết định công nhận của UNESCO có ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn giúp Núi Chúa phát huy mạnh mẽ vai trò hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương, kết nối hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc; giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, nâng cao chất lượng cuộc sống, giáo dục và nghiên cứu khoa học.
Khu DTSQ Núi Chúa là một vùng rộng lớn cả đất liền và biển, gồm vùng lõi 1 là Vườn quốc gia (VQG) Núi Chúa và vùng lõi 2 là Khu bảo tồn biển Núi Chúa, có diện tích trên 106.646 ha, thực hiện ba chức năng gồm: Bảo tồn; phát triển; hỗ trợ nghiên cứu, giáo dục và văn hóa. Đây là khu DTSQ duy nhất ở Việt Nam đại diện cho hệ sinh thái rừng khô hạn nhiệt đới với 54 loài thực vật quý hiếm, 46 loài động vật quý hiếm, trong đó có nhiều loài quý hiếm có tầm quan trọng quốc tế như: Voọc chà vá chân đen, cheo cheo lưng bạc, với các dải san hô và là nơi rùa biển hằng năm về đẻ trứng cho một vùng rộng lớn... Các giá trị bảo tồn được đảm bảo trong hệ thống bảo tồn quốc gia với các hoạt động kinh tế xanh như: Chi trả dịch vụ hệ sinh thái rừng, giao đất giao rừng, du lịch sinh thái... Nơi đây còn là trung tâm năng lượng sạch của cả nước.
Vịnh Vĩnh Hy nằm trong Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa.
Tổ chức Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên đã xác nhận các hệ sinh thái rừng ở khu vực DTSQ Núi Chúa có giá trị đặc biệt vì thuộc vùng sinh thái Trường Sơn, là một trong 200 vùng sinh thái quan trọng toàn cầu, được lựa chọn là một trong những vùng ưu tiên bảo tồn cao nhất của tất cả các kiểu sinh cảnh chính trên trái đất. Đặc biệt, các kiểu thảm thực vật rừng nằm giữa các khu vực quan trọng về đa dạng sinh học hàng đầu ở vùng Trung và Nam Trường Sơn. Bên cạnh đó, theo tổ chức Birdlife International, khu vực này thuộc 1 trong 4 vùng chim đặc hữu trên đất thấp miền Nam Việt Nam và một trong các vùng đa dạng sinh học quan trọng toàn cầu.
Các công trình nghiên cứu đã có đều khẳng định các đại diện điển hình cho các hệ sinh thái biển đặc trưng (hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái thảm cỏ biển, hệ sinh thái vùng triều) đều tồn tại trong tại vùng biển VQG Núi Chúa. Vùng biển VQG Núi Chúa nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của hiệu ứng nước trồi nên có năng suất sinh học cao. Vùng nước nông ven bờ được bao phủ bởi các rạn san hô rộng lớn với các kiểu hình thái và cấu trúc tương đối phức tạp và đa dạng về thành phần giống loài sinh vật. Sự kết nối giữa 2 hệ sinh thái quan trọng là rạn san hô và thảm cỏ biển ở khu vực này có ý nghĩa rất lớn về khía cạnh sinh thái và nguồn lợi. Vùng bên ngoài ở độ sâu khoảng 50 m nước về phía Nam hình thành các bãi cá tập trung có trữ lượng tương đối lớn. Bên cạnh đó, hệ sinh thái vùng triều của VQG Núi Chúa cũng có hệ sinh vật và giá trị đa dạng sinh học tiêu biểu riêng. Vùng biển được bảo tồn thuộc VQG Núi Chúa đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các khu bảo tồn biển có tính đa dạng sinh học cao như đầm Nha Phu, vịnh Nha Trang, đầm Thủy Triều ở phía Bắc với Hòn Cau - Vĩnh Hảo ở phía Nam, do đó đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững ở cấp độ.
Đồng thời, cùng với kho tàng di sản văn hóa phong phú, đặc sắc với sự góp mặt của nhiều loại hình văn hóa của nhóm các dân tộc đang sinh sống: Raglai, Chăm, Hoa, Kinh; các di sản văn hóa vật thể nổi bật với các kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo như đình, chùa tồn tại hàng thế kỷ, nhất là hệ thống các tháp Chăm gần như còn nguyên vẹn, các giá trị văn hóa phi vật thể phong phú với nhiều lễ hội lớn, Khu DTSQ Núi Chúa là hình mẫu kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học và các giá trị văn hóa bản địa.
Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa. Ảnh: Internet
Để bảo tồn đa dạng sinh học khu DTSQ theo hướng bền vững, thời gian qua, Ban Quản lý VQG Núi Chúa đã triển khai đồng bộ các giải pháp về bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái rừng, biển; các loài động vật, thực vật bản địa quý hiếm gắn với các chương trình phát triển du lịch sinh thái và tạo sinh kế bền vững cho người dân sống xung quanh vùng đệm. Đồng thời phối hợp với các tổ chức nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước triển khai các đề tài nghiên cứu, điều tra bổ sung danh lục các loài thực vật và động vật mới.
Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Về phát triển, mục tiêu dài hạn của Khu DTSQ Núi Chúa là bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học của khu vực đồng thời với nâng cao đời sống cộng đồng dân cư địa phương, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo hướng phát triển bền vững. Định hướng là phát triển bền vững theo hướng cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ, trên cơ sở tăng nhanh tỷ trọng kinh tế tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp. Cùng với các hoạt động du lịch sinh thái, giao đất giao rừng và chi trả dịch vụ hệ sinh thái rừng, tỉnh sẽ tập trung những hoạt động kinh tế xanh nhằm thực hiện các mục tiêu đề bào tồn và phát triển Khu DTSQ Núi Chúa đã đề ra.
Vào ngày 14-4, UBND tỉnh tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận Khu DTSQ thế giới Núi Chúa và Bằng xếp hạng Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh vịnh Vĩnh Hy. Đây là sự kiện quan trọng nhằm quảng bá, vinh danh Khu DTSQ thế giới Núi Chúa nói riêng và mạng lưới các khu DTSQ tại Việt Nam nói chung; tôn vinh giá trị của di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên vịnh Vĩnh Hy; đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị độc đáo, tiêu biểu của di tích đã được xếp hạng, góp phần vừa bảo tồn, vừa khai thác giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch của tỉnh nhà.
Uyên Thu