Về nguồn lực y tế, nếu thời gian đầu tái lập tỉnh (tháng 4-1992), tuyến tỉnh có bệnh viện tỉnh quy mô 300 giường/năm 1992, năm 2020 nâng cấp lên bệnh viện hạng I, quy mô 1.000 giường bệnh, đến nay hình thành thêm Bệnh viện Đa khoa tỉnh cơ sở 2 (Bệnh viện Giao thông vận tải Tháp Chàm chuyển sang); thành lập mới và duy trì hoạt động Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Sơn; nhà Điều dưỡng nâng cấp thành Bệnh viện - Phục hồi chức năng, nay sáp nhập vào Bệnh viện Y học cổ truyền có quy mô 100 giường bệnh. Đến nay đã hình thành thêm 3 bệnh viện chuyên khoa, đó là Bệnh viện Lao- Bệnh phổi, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Da liễu - Tâm thần. Tuyến huyện từ 3 bệnh viện thuộc Trung tâm Y tế nay có 6 và 2 phòng khám đa khoa. Năm 1992 mới thành lập Công ty Dược - Vật tư y tế với 90 điểm bán lẻ, đã được cổ phần hóa vào năm 2000. Đến nay mạng lưới thuốc phát triển gồm 7 công ty dược, 82 nhà thuốc, 298 quầy thuốc và 4 cơ sở bán lẻ thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu. Ngoài ra ngành Y tế tỉnh nhà còn có 225 cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân từ thành phố đến vùng nông thôn, miền núi. Trong đó: 1 bệnh viện tư nhân Sài Gòn - Phan Rang, quy mô 100 giường bệnh, 5 phòng khám đa khoa, 19 cơ sở dịch vụ, 200 phòng khám chuyên khoa. Số giường bệnh năm 1992 có tổng số là 894, phấn đấu đến năm 2022 có 30,5 giường/vạn dân.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện kỹ thuật mỗ lấy khối u trong não. Ảnh: Uyên Thu
Năm 1992 có 74 bác sĩ, tương ứng với 1,7 bác sĩ/vạn dân, đến năm 2021 đã có 608 bác sĩ đạt 10,2 bác sĩ trên vạn dân, có nhiều thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II. Bác sĩ công tác tại Trạm Y tế xã năm 1992 chưa có, năm 2021 có 91,5%, phấn đấu năm 2022 đạt 93,2%; Trạm Y tế đạt chuẩn y tế quốc gia năm 2021 đạt 93,8%, phấn đấu năm 2022 đạt 95,4%. Công tác xã hội hóa trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân ngày càng được nâng cao với sự tham gia tích cực và hiệu quả của toàn xã hội và cả hệ thống chính trị.
Về công tác y tế dự phòng, đáng quan tâm là các bệnh sốt rét, phong, lao phổi, sốt xuất huyết... Những năm 1992-2000 luôn là điểm nóng, được Bộ Y tế đặc biệt quan tâm. Ngay trong năm 1992 đã xảy ra dịch tả, kéo dài đến năm 1995 ở hầu hết các huyện, nặng nhất là huyện Ninh Sơn. Bệnh sốt rét ác tính, tử vong vẫn xảy ra hằng năm, chỉ tiêu của ngành là giảm bệnh nhân sốt rét 10-20%/năm, tử vong do sốt rét năm 1992 là 33 ca, duy trì số không từ năm 1997 đến nay. Chương trình chống lao cấp II mạng lưới huyện/xã từ 4/34 nay đã phủ khắp các huyện, thành phố, tỷ lệ bệnh nhân âm hóa tăng dần từ 34,8% (năm 1992) đến nay trên 85%. Chương trình chống phong, bệnh nhân mới được phát hiện hằng năm, giảm tỷ lệ bệnh nhân tàn phế độ II từ 39,2% xuống bằng không. Đến năm 2021 các bệnh sốt rét, lao, phong tỉnh nhà đã cơ bản được thanh toán. Các bệnh truyền nhiễm gây dịch lưu hành khác tại địa phương được kiểm soát tốt, không để xảy ra tình trạng “dịch chồng dịch”. Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em cũng có những bước chuyển biến rất tích cực; 5 tai biến sản khoa giảm, tiến tới không để xảy ra tử vong mẹ và trẻ sơ sinh. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm còn 12,5% (năm 2021). Theo Bác sĩ Lê Vũ Chương, Giám đốc Sở Y tế, thành công đặc biệt của ngành, từ năm 2020 – 2021, phát huy vai trò lực lượng tuyến đầu và trên hết là tinh thần trách nhiệm, đồng lòng, quyết tâm, tấm lòng “Lương y phải như từ mẫu”, trong cuộc chiến cam go đẩy lùi dịch COVID-19, đội ngũ thầy thuốc, cán bộ, bác sĩ, nhân viên ngành Y tế tỉnh nhà đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm, hoàn thành tốt sứ mệnh và trọng trách của người thầy thuốc… đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” do tỉnh đề ra
Điểm nổi bật nhất của ngành Y tế tỉnh nhà là tỷ lệ hài lòng của người dân đối với các thầy thuốc tăng dần. Cách đây khoảng 5 năm trở về trước nhất là khi tiếp xúc cử tri, thường nghe người dân phàn nàn, ca thán về tinh thần, thái độ phục vụ của thầy thuốc. Hiện nay, qua điều tra xã hội học, tỷ lệ hài lòng đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh năm 2020 đạt 84,4%, hy vọng sẽ là 100% trong những năm tới. Bệnh viện Đa khoa tỉnh là bộ mặt của ngành Y tế đã có cuộc bứt phá ngoạn mục với cơ sở mới xây dựng khang trang, có đội ngũ thầy thuốc tay nghề ngày càng giàu kinh nghiệm, có nhiều trang thiết bị y tế hiện đại, đã triển khai gần 300 kỹ thuật cao, trong đó có 200 kỹ thuật tuyến trung ương như sốc điện chuyển nhịp, tán sỏi qua da, phẫu thuật u não, can thiệp đặt stent mạch vành, giúp bệnh nhân được điều trị kịp thời, tại chỗ, tận dụng “thời gian vàng”, giảm tải tuyến trên, tiết kiệm chi phí cho gia đình và xã hội...
Cũng theo Bác sĩ Lê Vũ Chương, năm 2022 và những năm tiếp theo “Ngành Y tế tiếp tục thực hiện Chiến lược quốc gia về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, công tác dân số trong tình hình mới; tăng cường năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở đáp ứng tốt nhất nhu cầu khám và chữa bệnh cho nhân dân... ngành Y tế quyết tâm vượt qua những khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin mà Đảng và Nhân dân giao phó”.
Tuấn Hùng