Sản xuất vụ đông - xuân 2021 - 2022: Nhiều tín hiệu lạc quan

Sau hơn 2 năm sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, thì thời điểm hiện nay giá các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh tăng mạnh là tín hiệu cho thấy sức mua đang phục hồi trở lại. Niên vụ 2021-2022 nông dân trồng mía đón nhận niềm vui nhờ giá mía nguyên liệu tăng 24% so với niên vụ trước, đạt 1 triệu đồng/tấn. Không dừng lại đó, các hộ trồng hành, tỏi ở xã Thanh Hải, Nhơn Hải (Ninh Hải)… cũng thu được nhiều thắng lợi nhờ bán được sản phẩm với giá cao.

Sản xuất nông nghiệp có nhiều tín hiệu lạc quan đã tạo niềm tin, kỳ vọng vào vụ đông - xuân 2021-2022 thu được thắng lợi lớn. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ này diện tích thu hoạch hơn 31.000 ha, tăng 1,5% so cùng kỳ, vượt 0,2% kế hoạch. Huyện Thuận Nam, Bác Ái, Thuận Bắc đã thu hoạch xong trà lúa đông - xuân sớm, năng suất bình quân đạt trên 6 tấn/ha. Các loại cây trồng cạn, cây ăn quả ở những vùng chuyển đổi với diện tích hơn 580 ha cũng đã bắt đầu cho thu hoạch. Vụ đông - xuân là vụ chính trong năm, góp phần quan trọng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp nên được ngành chức năng, các địa phương quan tâm hỗ trợ nông dân triển khai các mô hình chuyển giao khoa hoc - kỹ thuật.

Nông dân xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) phấn khởi nhờ giá mía tăng. Ảnh: Văn Nỷ

Theo đó, toàn tỉnh triển khai 31 cánh đồng lớn, với tổng diện tích hơn 4.241 ha; trong đó, triển khai mới 1 cánh đồng bắp giống 60 ha tại huyện Ninh Phước. Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, tình hình sản xuất nông nghiệp đã có những tín hiệu vui, đó là sự đổi thay từ cung cách làm ăn của nông dân đến công tác chỉ đạo sát sao, chặt chẽ của chính quyền các cấp, đội ngũ cán bộ kỹ thuật. Tại huyện Thuận Bắc, sản xuất nông nghiệp tiếp tục có những thuận lợi nhờ lượng mưa bổ sung vào cuối năm 2021, dung tích các hồ chứa đã đạt dung tích thiết kế. Tổng diện tích gieo trồng vụ đông - xuân của địa phương đạt 3.740 ha, vượt kế hoạch 2%, tăng 1% so với vụ kỳ kỳ năm trước. Huyện đã tập trung chỉ đạo tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình “1 phải 5 giảm” trên cây lúa; triển khai 4 cánh đồng lớn, với quy mô hơn 288 ha. Dịch bệnh trên cây trồng được kiểm soát chặt chẽ, dự kiến sản lượng một số cây trồng chính đạt khá.

Ghi nhận tại huyện Ninh Phước, phong trào xây dựng cánh đồng lớn tiếp tục lan tỏa, đi vào chiều sâu, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Thành công trong thực hiện mô hình sản xuất lúa 3 vụ sang 2 vụ đã giúp huyện làm nên bước đột phá trên đồng ruộng. Giải pháp ngưng sản xuất vụ mùa để có thời gian cho “đất nghỉ”, nên những cánh đồng lớn sản xuất lúa vụ đông – xuân phát triển tốt, dự kiến năng suất vượt trội. Từ thực hiện cơ cấu lại mùa vụ, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện có bước chuyển tích cực, tạo tiền đề cho việc giải phóng sức lao động, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; các tiềm năng, lợi thế về đất đai, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất được khai thác một cách triệt để, đạt hiệu quả cao.

Vụ đông - xuân 2021-2022 đánh dấu sự khởi đầu thực hiện chương trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, giúp nông dân tiếp cận thông tin, xây dựng thương hiệu từng loại sản phẩm. Những tín hiệu khả quan trong xây dựng và phổ biến các mô hình mẫu về sản xuất ứng dụng công nghệ cao sẽ là tiền đề thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển lên tầm cao mới n