Nhớ lại ngày đầu tái lập tỉnh (1992), xuất phát điểm của ngành Nông nghiệp Ninh Thuận thuộc nhóm thấp của cả nước cả về quy mô và trình độ phát triển. Để vực dậy sản xuất nông nghiệp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần VIII, nhiệm kỳ 1992-1995 đã đề ra chủ trương “Phát triển nông nghiệp toàn diện theo yêu cầu sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn, nông dân, tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế. Với việc định hướng phát triển đúng đắn, ngành Nông nghiệp đã tạo được giá trị khác biệt. Là địa phương có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, tâm hạn của cả nước, nhưng chính nắng gió nhiều lại là lợi thế để tỉnh ta phát triển các loại cây trồng đặc thù như nho, táo, tỏi, măng tây xanh… có giá trị kinh tế cao.
Mô hình sản xuất dưa lưới theo hướng nông nghiệp công nghệ cao tại huyện NInh Sơn. Ảnh: Hữu Phương
Chủ trương phát triển nông nghiệp của Đảng bộ tỉnh không ngừng được bổ sung một cách sáng tạo và phù hợp với yêu cầu đổi mới của đất nước, của tỉnh. Theo từng thời kỳ, UBND tỉnh đã cụ thể hóa những chủ trương phát triển của Đảng bằng nhiều chương trình, kế hoạch, các cơ chế, chính sách để chỉ đạo triển khai thực hiện, nhất là chủ trương cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với thích ứng biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025.
Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đi vào thực tiễn cuộc sống đã tạo được chuyển biến tích cực. Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp từng bước cải thiện; hạ tầng thủy lợi cơ bản đồng bộ theo hướng đa mục tiêu, nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn được đầu tư nâng cấp, sửa chữa và hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và tăng năng lực tưới tiêu. Đến nay, đã đầu tư hoàn thành 22 hồ chứa nước với tổng dung tích 520 triệu m3 và đầu tư đồng bộ hệ thống kênh mương cấp II, III, nâng tổng diện tích tưới chủ động toàn tỉnh đến cuối năm 2021 trên 72.500 ha, đạt tỷ lệ 60%.
Nhìn lại chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển để thấy, nông nghiệp có nhiều đột phá khi chuyển từ sản xuất thuần túy sang phát triển kinh tế nông nghiệp liên kết dịch vụ đầu vào, sản xuất đến tiêu thụ nông sản thông qua các chuỗi giá trị. Đặc biệt, các sản phẩm đặc thù của tỉnh đã được phát triển theo chuỗi giá trị với 69 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao đến tiềm năng 5 sao, một số sản phẩm tôm đông lạnh đã xuất khẩu sang một số nước châu Âu, đánh dấu bước tiến mới trong việc gia nhập “sân chơi lớn” quốc tế.
Ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh, tỷ trọng ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và CNC trong trồng trọt chiếm 39,5%, chăn nuôi chiếm 28%, thủy sản chiếm 41,1%; tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm được chú trọng, các cây trồng chính được nâng cao năng suất và chất lượng; các mô hình tưới tiết kiệm nước, liên kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được triển khai nhân rộng. Cụ thể, đã liên kết 30 cánh đồng lớn khoảng 4.000 ha, các mô hình “1 phải 5 giảm” trong sản xuất lúa, bao trái trên cây nho, bao lưới giàn táo, sản xuất dưa lưới trong nhà màng… đã thu hút nhiều dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng CNC đang triển khai thực hiện. Thu nhập trên ha đất canh tác tăng từ 57 triệu đồng năm 2005 lên 132 triệu đồng năm 2021.
Cán bộ Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố tập trung đầu tư cho nghiên cứu giống cây trồng có chất lượng, chuyển giao cho nông dân. Ảnh:V.M
Ngành Chăn nuôi phát triển theo hướng an toàn, hiệu quả, có giá trị kinh tế cao; phát triển nhiều mô hình chăn nuôi tập trung ứng dụng CNC, khép kín gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh. Hiện trên địa bàn tỉnh có 39 trang trại liên kết nuôi gia công cho Công ty Cổ phần CP với quy mô hơn 37.800 con/lứa, chiếm khoảng 42% tổng đàn, sản lượng thịt heo xuất chuồng chiếm đến 56-58% sản lượng heo hơi cả tỉnh. Tỷ lệ sind hóa đàn bò đạt 50%, lai tạo đàn dê 85% tổng đàn. Quy mô đàn gia súc, gia cầm ổn định, bình quân tăng 4,3%/năm, chất lượng được cải thiện đáng kể, từ gần 141.700 con năm 1992 lên gần 460.000 con năm 2021; tổng lượng thịt hơi các loại tăng từ gần 5.000 tấn lên trên 33.400 tấn năm 2021.
Nhằm khai thác tiềm năng biển phát triển ngành Thủy sản, tỉnh ưu tiên nguồn lực khởi công xây dựng cảng cá Đông Hải đầu tiên vào năm 1994, tiếp đến xây dựng cảng cá Cà Ná năm 1996, cảng cá Ninh Chữ năm 1999 và bến cá Mỹ Tân vào năm 2001. Đến nay, các cảng cá, bến cá đang được tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng và hoàn thành đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá, đang phát huy hiệu quả tích cực, có khả năng tiếp nhận khoảng 3.200 tàu cá các loại, đáp ứng tốt nhu cầu neo đậu, tránh trú bão và tiêu thụ sản phẩm của tàu thuyền trong và ngoài tỉnh; bảo đảm hơn 21 nghìn lượt tàu thuyền cập cảng và trên 21 nghìn tấn hàng hóa qua cảng. Hạ tầng nghề cá được quan tâm đầu tư, dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển khá, chất lượng nâng lên góp phần thúc đẩy sản xuất thủy sản phát triển khá toàn diện, giá trị sản xuất tăng bình quân gần 11%/năm. So với năm 1992, tổng diện tích nuôi trồng tăng từ 422 ha lên 927 ha; tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng cao, từ 633 tấn lên 9.746 tấn, tăng 15,3 lần. Nghề khai thác hải sản chuyển dịch theo hướng phát triển đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Công tác tổ chức lại nghề khai thác hải sản theo hướng đánh bắt xa bờ có bước chuyển biến rõ rệt, năng lực khai thác được nâng lên, có 2.235 tàu tham gia khai thác vùng biển xa, tăng hơn 1.213 chiếc so với 1992; sản lượng khai thác năm 2021 đạt trên 124 ngàn tấn, tăng 9,8 lần so với năm 1992.
Chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất tôm giống của cả nước đạt mục tiêu đề ra và luôn phát huy lợi thế, thế mạnh, năng lực sản xuất tăng nhanh, cung ứng khoảng 30% nhu cầu của cả nước. Nếu như năm 1992 toàn tỉnh sản xuất được 40 triệu con tôm giống thì đến năm 2021 sản lượng tôm giống đã đạt hơn 39.300 triệu con, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 1992-2021 đạt 23,8%.
Bước sang giai đoạn mới, nông nghiệp có những cơ hội, thời cơ mới, đó là xu hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với phát triển kinh tế số, chuyển đổi số theo hướng hiện đại, đồng bộ; đồng thời, phát huy các giá trị khác biệt của nông nghiệp vùng bán khô hạn gắn với phát triển thị trường, từng bước tiến đến xuất khẩu một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Tỉnh xác định mục tiêu trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 là: Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC phục vụ tốt nhiệm vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh hiện đại, đồng bộ, năng suất, chất lượng, có giá trị kinh tế, thân thiện với môi trường, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Tiếp tục xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao. Tập trung ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng CNC vào sản xuất đối với các sản phẩm nông nghiệp đặc thù, khác biệt, có lợi thế của tỉnh. Nâng cao năng suất, chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao, phát huy đội ngũ các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật, các trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC, xem đây là giải pháp đột phá, trọng tâm, động lực để phát triển, góp phần tăng trưởng, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm nghèo cho người dân.
Với tầm nhìn mới và sự quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh, nông nghiệp Ninh Thuận sẽ tiếp tục là trụ cột của nên kinh tế của tỉnh; hướng tới trở thành một trong những tỉnh có nền nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường.
Anh Tùng