Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận được thành lập ngày 2-3-1976, tiền thân là Ban Quản lý thủy nông Phan Rang. Qua chặng đường 46 năm xây dựng và phát triển, với nhiều lần thay đổi hình thái tổ chức, tên gọi, mô hình hoạt động, Công ty đã vượt qua khó khăn, thử thách để trưởng thành, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành Nông nghiệp nói riêng, phục vụ sinh hoạt và các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh nói chung, khẳng định vị trí vai trò quan trọng của mình, xứng đáng được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (2009 - 2014) và nhiều bằng khen của UBND tỉnh.
Những ngày đầu thành lập, đặc biệt là sau tái lập tỉnh năm 1992, với nhiệm vụ đảm bảo tối đa nhu cầu nguồn nước để phát triển sản xuất nông nghiệp trong điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng, ít mưa, Ban lãnh đạo Công ty đã nỗ lực hết mình để đảm bảo tưới tiêu cho các vùng thuộc khu tưới của hệ thống các đập dâng trên sông Cái (Sông Pha, Nha Trinh và Lâm Cấm) với tổng diện tích gần 26.000 ha và cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh.
Hồ Tân Giang (Thuận Nam). Ảnh: V.M
Giai đoạn trước năm 2010, do nguồn vốn đầu tư cho các công trình thủy lợi có hạn nên trên địa bàn toàn tỉnh chỉ có 13 hồ chứa nước với tổng dung tích thiết kế khoảng 127,86 triệu m3. Các hồ chứa chủ yếu tập trung trên địa bàn huyện Ninh Phước và Ninh Hải, còn huyện miền núi Bác Ái chỉ có hồ chứa nước Sông Sắt, riêng huyện Ninh Sơn chưa được đầu tư xây dựng hồ chứa, do đó nguồn nước tích trữ trên địa bàn tỉnh để phục vụ sản xuất còn hạn chế, nhiều khu vực không có hệ thống thủy lợi cấp nước, chỉ tận dụng nước trời để sản xuất 1 vụ vào mùa mưa. Hệ thống các kênh dẫn nước chủ yếu là kênh đất, một số tuyến kênh làm bằng bê tông hoặc đá xây đã xuống cấp nên nguồn nước hao hụt, thất thoát lớn, diện tích tưới chủ động nước trong hệ thống công trình thủy lợi chỉ khoảng hơn 60.000 ha; tình trạng hạn hán, thiếu nước thường xuyên xảy ra, trầm trọng nhất là các đợt hạn hán vào các năm 2002-2003, 2004-2005 gây thiệt hại cho nền kinh tế của tỉnh.
Từ năm 2010 đến nay, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi tích, dẫn và phân phối nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bao gồm các hồ chứa lớn và vừa như hồ Trà Co, Phước Trung, Phước Nhơn (Bác Ái); hồ Bà Râu (Thuận Bắc), hồ Sông Biêu và Núi Một (Thuận Nam); hồ Lanh Ra (Ninh Phước) và hồ Cho Mo (Ninh Sơn). Đến năm 2017, Công ty được UBND tỉnh giao quản lý, vận hành 21 hồ chứa nước với tổng dung tích thiết kế là 194,49 triệu m3 nước, 30 trạm bơm điện, 4 hệ thống đập dâng lấy nước trên Sông Cái, một số đập thời vụ với tổng chiều dài kênh mương quản lý khoảng 967,79 km, diện tích cấp nước lên đến 78.150 ha, tăng bình quân hàng năm khoảng 2,5% so với kế hoạch UBND tỉnh giao; đồng thời, cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi, dịch vụ và các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh với tổng sản lượng mỗi năm khoảng 22 triệu m3 nước.
Năm 2018, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ được đầu tư xây dựng, đây là hệ thống thủy lợi tiên tiến, hiện đại nhất Việt Nam với gần 30 km đường ống thép dẫn nước có đường kính hơn 2 m, hồ chứa nước Sông Cái có dung tích thiết kế 219,8 triệu m3 (lớn hơn tổng dung tích 21 hồ chứa nước hiện nay). Ngoài nhiệm vụ tưới trực tiếp cho cho 7.480 ha, công trình có nhiệm vụ hết sức quan trọng là bổ sung nước cho các hệ thống thủy lợi thường xuyên bị thiếu nước bao gồm các hồ chứa: Cho Mo, Ông Kinh, Sông Trâu, Bà Râu và đặc biệt là bổ sung nguồn nước chủ động cho hệ thống thủy lợi Nha Trinh – Lâm Cấm, giúp chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất, dân sinh, phát triển kinh tế liên các vùng phía Bắc của tỉnh.
Từ đầu tháng 2-2020 đến nay, Công ty được UBND tỉnh giao tiếp nhận, quản lý vận hành tạm thời một số hạng mục công trình hệ thống thủy lợi Tân Mỹ bao gồm: Cụm đầu mối đập dâng Tân Mỹ, kênh chính đoạn từ K0 đến K21+827 và 16 tuyến kênh nhánh cấp 1 có kết cấu bằng đường ống. Đến nay, bước đầu công trình đã phát huy hiệu quả phục vụ cấp nước tưới cho khoảng 2.500 ha; trong đó, tưới trực tiếp cho khoảng 1.000 ha đất sản xuất trên địa bàn xã Mỹ Sơn, Nhơn Sơn (Ninh Sơn) và xã Phước Trung (Bác Ái); cấp nước tưới bổ sung khu tưới hồ Cho Mo 580 ha, khu tưới hồ Thành Sơn 150 ha, khu tưới vùng cuối kênh Bắc thuộc hệ thống Nha Trinh 770 ha. Đồng thời, cấp nước sinh hoạt cho nhà máy nước Phước Trung và nhà máy nước An Hòa với tổng sản lượng khoảng 9.694 m3/ngày đêm.
Nông dân xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) chăm sóc cây đậu xanh. Ảnh: Hồng Lâm
Trong quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, Công ty luôn chú trọng công tác áp dụng khoa học - công nghệ hiện đại, đồng thời không ngừng đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ người lao động Công ty. Ngoài ra, sự biến đổi khí hậu càng làm gia tăng nhiệt độ, bốc hơi, khiến cho dòng chảy mùa khô có xu thế giảm, dòng chảy mùa lũ có xu thế tăng, ảnh hưởng bất lợi đến hiệu quả cấp nước của hồ chứa trong mùa khô và sự an toàn của công trình trong mùa mưa lũ. Dung tích của hồ chứa trên địa bàn tỉnh chỉ đủ cấp nước từ 1 đến 2 vụ/năm, trong khi đó mùa mưa lượng nước đến lớn phải xả thừa rất lãng phí. Đứng trước thách thức của biến đổi khí hậu và những yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới, Công ty đã nỗ lực, nâng cao tính chủ động, sáng tạo, đổi mới tư duy trong công tác quản lý nước và công trình, vận dụng giải pháp liên thông hồ chứa để sử dụng hiệu quả nguồn nước, giảm thiểu mức độ thiệt hại, đảm bảo cấp đủ nước cho toàn bộ diện tích trong khu tưới các hồ chứa từ 2 vụ đến 3 vụ/năm.
Nhờ các biện pháp thủy lợi và các biện pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, luân canh tăng vụ, diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới chủ động tăng, diện tích gieo trồng năm 2021 đạt 73.357 ha, tăng 1,22 lần so với năm 2010. Bên cạnh đó, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp, thuỷ sản, du lịch,... góp phần phát triển nền kinh tế, đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa tỉnh nhà.
Để tiếp nối thành quả của Công ty, hiện thực hóa các mục tiêu trong chiến lược thủy lợi Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ, thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 về “Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với chương trình thích ứng biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới”, trước mắt từ nay đến năm 2025, Công ty phấn đấu cung cấp đủ nguồn nước tưới cho được 79.600 ha đất canh tác, cung cấp trên 23,87 triệu m3 nước phục vụ cho các nhà máy nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp và dân sinh trên địa bàn tỉnh.
Anh Tùng