Đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng bền vững

Trong những năm qua, ngành Công nghiệp của tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực, có tốc độ tăng trưởng ổn định; nhiều dự án mới được đầu tư đi vào hoạt động phát huy hiệu quả, từng bước khẳng định là ngành kinh tế quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Một trong những dấu ấn nổi bật của ngành CN tỉnh trong những năm gần đây đó là đã phát huy, khai thác tối đa tiềm năng lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo. Mặc dù Chính phủ thực hiện chủ trương dừng triển khai dự án Nhà máy điện hạt nhân, nhưng tỉnh đã kịp thời đề xuất Trung ương ban hành chủ trương, chính sách kịp thời tạo làn sóng đầu tư mới, biến các khó khăn, thách thức trở thành động lực phát triển, từ đó ngành CN năng lượng được đầu tư mạnh, trở thành động lực phát triển KT-XH của tỉnh. Đặc biệt, từ cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh theo Nghị quyết số 115-NQ/CP ngày 31-8-2018 của Chính phủ, tỉnh đã bổ sung các quy hoạch phát triển điện gió, điện mặt trời, thủy điện và điện khí LNG, qua đó đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, có uy tín tham gia đầu tư nhiều dự án quy mô lớn và triển khai hoàn thành đưa vào hoạt động, đóng góp lớn cho tăng trưởng của tỉnh và ngành CN, tăng nguồn thu ngân sách. Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh đã có 49 dự án năng lượng tái tạo đi vào hoạt động, tổng quy mô công suất trên 3.475 MW đã được đưa vào vận hành thương mại.

Điện gió Phước Hữu (Ninh Phước).

Bên cạnh đó, một số khu, cụm CN hoàn thành đã đi vào hoạt động và tiếp tục được mở rộng quy mô, tạo điều kiện thu hút các dự án thứ cấp. Một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù được đầu tư mở rộng quy mô sản xuất tạo nguồn nguyên liệu mới, ổn định để phát triển ngành CN chế biến. Theo lãnh đạo sở Công Thương, giá trị CN năm 2020 đạt 9.533 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 13,3%/năm. Trong đó tốc độ tăng trưởng năm 2020 tăng 28,74% nhờ phát triển đột phá năng lượng tái tạo, giá trị ngành CN chiếm tỷ trọng 21,17% trong tăng trưởng GRDP của tỉnh. Năm 2021, mặc dù chịu tác động ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nhưng GRDP tăng 9,0% đạt mức tăng trưởng cao thứ 4 của cả nước; trong đó ngành CN tăng 38,06%.

Mặc dù vậy, ngành CN thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn do tác động nhiều chiều làm chậm tiến độ triển khai hoàn thành hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển CN, nhất là hạ tầng Cảng biển Cà Ná và các khu CN; hệ thống dẫn nối và truyền tải điện còn nhiều bất cập, chưa được kịp thời đầu tư, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu giải tỏa công suất các dự án điện. Một số ngành CN truyền thống quy mô lớn gặp khó khăn về nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ nhất là ảnh hưởng dịch COVID-19. Ngoài lĩnh vực năng lượng, các lĩnh vực khác chủ yếu là CN có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh thấp, năng lực sản xuất mới tăng thêm chậm. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất CN còn thấp so với mục tiêu đề ra; các nhóm ngành như khai khoáng, CN chế biến chịu tác động của dịch COVID-19 nên chỉ đạt trên 50% chỉ tiêu đề ra.

Theo Ông Võ Đình Vinh, Giám đốc Sở Công Thương, nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển CN, phấn đấu tăng giá trị sản xuất với tốc độ đề ra trong thời gian tới với mục tiêu đến năm 2025, cơ cấu CN - xây dựng chiếm 42-43% (cao nhất trong cơ cấu các ngành kinh tế), phấn đấu giá trị sản xuất ngành CN – xây dựng tăng bình quân từ 17-18%, trong đó giá trị sản xuất và phân phối điện dự kiến đạt 10.170 tỷ đồng (chiếm 46,8% giá trị sản xuất toàn ngành CN và 14,4% giá trị của các ngành kinh tế), tỉnh chú trọng phát triển CN năng lượng, cảng biển, CN chế tạo, CN phụ trợ cho ngành Năng lượng để phát triển Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của cả nước. Cùng với đó, thu hút đầu tư phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh, trọng tâm là phát triển CN, năng lượng tái tạo, điện khí. Đẩy mạnh liên kết vùng, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững. Tận dụng tốt các nguồn lực của cơ chế đặc thù hỗ trợ tỉnh theo Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31-8-2018 của Chính phủ để phát triển mạnh ngành CN trong thời gian tới.