Trong mức tăng 0,97% của CPI tháng 2 so với tháng trước có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó: Nhóm giao thông tăng nhiều nhất với 2,39% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu vào thời điểm ngày 11-2-2022 và thời điểm ngày 21-2-2022 làm chỉ số giá xăng, dầu tăng, góp phần làm CPI chung tăng 0,18 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, tháng 2 là thời điểm trùng tết Nguyên đán Nhâm Dần nên nhu cầu vận chuyển hành khách lưu thông có chiều hướng tăng, đặc biệt sau Tết hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định chạy liên tỉnh tăng, do nhu cầu người dân sau dịp nghỉ tết Nguyên đán về quê quay trở lại làm việc, lượng sinh viên đại học từ các tỉnh vào nhập học ở các tỉnh, thành phố lớn, làm cho giá dịch vụ giao thông công cộng tăng, gồm: Giá vé tàu hỏa tăng 7,95%, giá vé xe khách tăng 20%-60% vào thời gian từ ngày 1 đến 13-2-2022 đối với tuyến đường từ Ninh Thuận vào TP.Hồ Chí Minh.
Cửa hàng xăng dầu số 4 tại Tp. Phan Rang-Tháp Chàm.
Việc tháo dỡ nhiều rào cản nhờ kiểm soát tốt dịch COVID-19 cũng đã tác động làm nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ của người dân trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần tăng, nên giá nhiều mặt hàng tăng. Cụ thể: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,61% do nhu cầu tăng vào dịp Tết, trong đó, ăn uống ngoài gia đình tăng 4,78%. Nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0,66%. Nhóm may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,39% do chi phí vận chuyển tăng. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,29% chủ yếu do giá dầu hỏa và gas tăng. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,26%. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,21% là do giá bia tăng, đặc biệt là bia Heiniken do nhu cầu tăng dịp Tết nhưng xuất hiện tình trạng thiếu hàng ở các đại lý. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,15%. Nhóm giáo dục tăng 0,02%. Các nhóm còn lai, gồm thuốc và dịch vụ y tế có chỉ số giá không tăng không giảm; riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,88%.
Kết quả trên đã góp phần làm CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2022 tăng 2,45% so với bình quân cùng kỳ năm 2021.
Linh Giang